Người Việt dùng hàng Việt: Điểm sáng từ giải pháp bình ổn thị trường

01/11/2019 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TP. Hà Nội với những cách làm sáng tạo, chủ động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trở thành một điểm sáng trong bình ổn thị trường, vị thế của hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Người dân mua hàng tại hội chợ hàng Việt về nông thôn. Ảnh: Diệu Anh

Chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP. Hà Nội ban hành từ năm 2010 đến nay, đã huy động nguồn lực đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp như triển khai các chương trình khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đẩy mạnh sản xuất với các sản phẩm chất lượng, xây dựng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; các chương trình kích cầu tiêu dùng; thông tin, vận động các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tham gia Chương trình đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làng nghề. Tổ chức bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”; triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Điểm sáng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có thể kể đến Chương trình bình ổn thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô…), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…), sữa (sữa nước, sữa bột…). Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát,…

Hà Nội triển khai thực hiện bình ổn thị trường xuyên suốt hằng năm, không chỉ nhằm kích thích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, góp phần cân đối cung cầu, hạn chế tốc độ gia tăng giá, bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. 

Mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, sâu rộng từ đô thị đến quận ven, huyện ngoại thành; hay từ khu dân cư đến khu lưu trú công nhân, khu chế xuất - khu công nghiệp và các bếp ăn tập thể.

Từ tháng 6/2019, UBND TP. Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu thường xuyên sẽ đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong một tháng. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong dịp này. Chương trình cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh phát triển.

Nhằm giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp... Thống kê cho thấy, hiện khu vực nông thôn có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, hàng Việt chiếm 90%.

Kết quả điều tra xã hội học đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã tăng. Nếu như năm 2016 chỉ 30,6% người tiêu dùng tin hàng Việt, năm 2019 là 64,6%. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Có thể thấy, chương trình bình ổn thị trường đã góp phần khuyến khích người Việt ưu dùng hàng Việt. Đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và giữa sản xuất với phân phối; giúp cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động được đầu ra và nguồn hàng, đẩy mạnh ứng dụng các phương thức bán hàng truyền thống kết hợp hiện đại, phát triển đa dạng hệ thống phân phối, bán hàng bình ổn tại các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu dân cư; đặc biệt quan tâm các chợ truyền thống, dân sinh...

Diệu Anh

Top