Nhà báo Trần Công Mân với báo chí Cách mạng Việt Nam

18/03/2018 3:11 PM

(Chinhphu.vn)-Ngày 18/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Trần Công Mân với Báo chí cách mạng Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2018.

Nhà báo Trần Công Mân (người ngồi đầu tiên, bên trái) thăm Thông tấn xã Giải phóng tại Mặt trận Tây Nguyên (tháng 4/1974). Ảnh tư liệu

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nhà báo, Thiếu tướng Trần Công Mân (20/11/1925-25/3/1998), nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.

Nhà báo Trần Công Mân là một trong những lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử hơn 65 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Trần Công Mân thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, sự nghiệp báo chí của Thiếu tướng Trần Công Mân đã được khái quát đầy đủ và súc tích trong lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là: “Hơn một phần ba thế kỷ làm báo, đồng chí Trần Công Mân vừa là một người phụ trách cơ quan báo chí quân đội có bản lĩnh vững vàng, vừa là một nhà báo sắc sảo có uy tín”.

Theo nhà báo Phan Quang, nhà báo Trần Công Mân viết nhiều thể loại báo chí nhưng thành công nhất là chính luận và tiểu phẩm. Tác phẩm của ông thường ngắn gọn, sắc sảo, không hoa hòe, hoa sói, lượng thông tin cao và đầy trí tuệ. Đọc tác phẩm của ông có thể thấy rõ tấm lòng và nhiệt huyết của một con người nhân ái và dòng máu của một chiến sĩ đấu tranh. Ông thường lựa chọn những chủ đề trung tâm của thời cuộc và mạnh dạn đề cập những vấn đề mới mẻ, thẳng thắn phân tích những khía cạnh mà người khác có khi né tránh, cách lập luận cũng như suy nghĩ của ông nhiều khi gây nên sự bất ngờ thú vị.

Là chiến sĩ quân đội nhân dân, chủ đề quen thuộc của nhà báo Trần Công Mân trước hết là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vạch trần âm mưu diễn biến hòa bình, phê phán các luận điệu về nhân quyền, dân chủ, tự do nhân đạo mà các giới thù địch thường rêu rao hoặc mượn cớ để xuyên tạc sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Cũng vẫn những vấn đề trên nhưng lại được ông đề cập chính diện, đặt vào thực tiễn và với tư duy đổi mới soi rọi, phân tích, lý giải đề xuất ý kiến của mình. Bài báo “Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” mà ông viết vào cuối thập niên 80, khi đường lối đổi mới đang định hình, đã xuất hiện đúng thời điểm, tập trung vấn đề, nhắm trúng đối tượng, góp phần nâng cao sự nhất trí về nhận thức và quan điểm trong cán bộ Đảng viên.

Quang cảnh buổi tọa đàm-Ảnh: Minh Nhung

Ngòi bút của nhà báo Trần Công Mân thể hiện rõ sức chiến đấu trên mặt trận chống tiêu cực. Qua các tác phẩm báo chí của ông có thể thấy ông tìm những cách tiếp cận khác nhau, song phần lớn biểu hiện một tâm trạng bức xúc trước các tệ nạn xã hội và sự trăn trở muốn góp phần tìm ra giải pháp. Hơi văn ông vì thế nhiều khi khá gay gắt.

Cuối năm 1989, sau khi thôi công tác ở báo Quân đội nhân dân chuyển sang thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông dành nhiều tâm huyết cho những vấn đề nghề nghiệp tân văn. Có lẽ do bớt được công tác quản lý, nên bút lực của ông thời gian này ngày càng dồi dào. Ông tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể từ quan điểm và kinh nghiệm thực tế để từ đó lý giải vai trò của báo chí về tính chân thật và cuộc săn tìm nhân tố mới. Loạt bài của ông viết về đạo đức báo chí nhìn từ góc độ phẩm chất nhà báo thể hiện nhiều suy nghĩ xác đáng và thực tế rất sát với thời cuộc của giới tân văn lúc bấy giờ.

Tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Xuân Lương, nguyên Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cũng chia sẻ, nhà báo Trần Công Mân tuy gánh vác không ít công việc của Hội, thường trực Hội Nhà báo nhưng ông vẫn đều đặn cho ra “lò” không ít bài báo với nhiều thể loại có chất lượng đa dạng, nhân văn. Văn chương, chữ nghĩa tân văn của ông Mân chưa hé lộ điều gì gọi là đao to búa lớn, nhưng nhẹ nhàng sâu sắc, thấm đẫm tình người. Đó chính là hồn cốt của nghề báo vốn được người đời tụng ca là Nợ đời, Tình người. Đó cũng là sứ mệnh Đảng ta tôn vinh: Tờ báo là ngọn cờ cách mạng, nhà báo cũng là chiến sĩ.

Theo đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, trong gần 70 năm xây dựng và phát triển báo Quân đội Nhân dân - tờ báo vinh dự được Bác Hồ đặt tên đã trở thành một cái nôi, một nhà trường đào tạo ra nhiều nhà báo thành danh, có tâm, có tầm của Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó có thiếu tướng Trần Công Mân, người đã có 25 năm giữ chức Phó Tổng Biên tập và Tổng Biên tập báo, Thiếu tướng Trần Công Minh là niềm tự hào của những người làm báo-chiến sĩ hôm nay.

Minh Nhung

Top