Nhãn muộn: Sớm lên đường tới Mỹ

12/06/2016 1:00 PM

(Chinhphu.vn) – Ngoài vải thiều Bắc Giang đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu trong tháng tới, hiện nay sản phẩm nhãn muộn của Hà Nội cũng đã được doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng chuẩn bị xuất sang Mỹ vào tháng 9 – 10 năm nay.

Thu hoạch nhãn muộn tại Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: An Khuê

Tìm chỗ đứng trên thị trường

Việt Nam hiện có khoảng 90.000 ha nhãn, trong đó miền Bắc chiếm 50% diện tích nhưng do năng suất thấp (10 tấn/ha) đặc biệt chất lượng kém nên chủ yếu tiêu dùng nội địa. Riêng tại Hà Nội chủ yếu tập trung vào phát triển giống nhãn chín muộn.

Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 30 - 45 ngày.

Nhiều gốc nhãn muộn tại Hà Nội có tuổi thọ hàng trăm năm mà vẫn cho thu hoạch nếu được chăm sóc tốt, vượt trội các loại cây ăn quả khác. Bằng chứng là cây tổ của giống nhãn muộn ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai năm nay tròm trèm 130 tuổi mà vẫn còn cho thu hoạch 3 - 4 tạ quả mỗi vụ. Từ cây nhãn gốc ấy những người nông dân nhạy bén đã nhân giống ra hàng loạt góp phần hình thành nên những dòng nhãn đặc biệt quý.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích nhãn chín muộn của toàn thành phố đạt 500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai, sản lượng bình quân đạt 8.000 - 9.000 tấn/vụ. Năng suất bình quân 20 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 50 tấn/ha, với giá bán buôn tại vườn trung bình 40.000đ/kg nhà vườn thu tiền tỷ/ha là chuyện phổ biến.

Tuy nhiên, trước khi đạt được hiệu quả kinh tế này, nhãn muộn Hà Nội đã có thời gian lao đao vì trước đây khi nhãn muộn bắt đầu bán đại trà trên thị trường vẫn bị nhầm là nhãn Trung Quốc vì quả to, vỏ đẹp, thời vụ bất thường. Thậm chí đến thời điểm này dù đã quen hơn nhưng việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái do chuỗi từ  sản xuất đến tiêu thụ chưa hình thành nên thường xuyên bị ép giá.

Cơ bản người tiêu dùng chưa biết được sự khác biệt giữa chất lượng sản phẩm nhãn muộn và các loại nhãn khác nên chưa sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn. Thêm vào đó họ chưa thể phân biệt được đâu là nhãn muộn Hà Nội với nhãn muộn Hưng Yên hay nhãn Thái Lan, nhãn miền Nam.

Nắm bắt được tình hình này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức một hội nghị xúc tiến thương mại với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp cũng như cơ quan thông tấn báo chí, tuyên truyền để nói rõ về việc sản xuất và tiêu thu nhãn muộn Hà Nội. Ông Chu Phú Mỹ- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đảm bảo với các doanh nghiệp rằng nhãn muộn mà Hà Nội sản xuất tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, trong đó có một số diện tích đạt cả chuẩn VietGAP.

Thúc đẩy xuất khẩu

Trong đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao của Hà Nội giai đoạn 2012-2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Phát triển cây trồng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển cây nhãn chín muộn. Theo đó, đến nay đã trồng mới, thâm canh được 310 ha, nâng cao năng suất từ 16 tấn/ha lên 21 tấn, hiệu quả đạt 540 triệu đồng/ha… Một phần diện tích được áp dụng theo quy trình VietGAP với các công đoạn ngặt nghèo như tưới nước sạch, bón phân hữu cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Việc ghép cải tạo các vườn nhãn cũ bằng giống nhãn chín muộn sẽ nhanh cho quả, hiệu quả lan tỏa lớn. Để rộng cửa cho sản phẩm xuất khẩu thì yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.

Làm nghiêm ngặt quy trình sản xuất này, nhãn muộn Hà Nội không những dần chinh phục thị trường trong nước mà đã bắt đầu thâm nhập thị trường khó tính như Mỹ

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định về khả năng chiếm lĩnh thị trường của nhãn muộn: “Việc này hoàn toàn có thể làm được vì hiện nay chúng ta đã xuất khẩu được nhãn sang thị trường Mỹ. Trong đó Công ty Ánh Dương Sao đã xuất hơn 100 tấn sang Mỹ bằng cả đường hàng không và đường biển. Vừa rồi, Cục Bảo vệc thực vật cũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn xuống cùng làm việc Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm tra cụ thể từng hộ trồng nhãn muộn theo yêu cầu của Mỹ, xem sản xuất có đúng quy trình GAP hay không. Đồng thời đã cấp 2 mã số vùng trồng cho nhãn muộn Hoài Đức, gửi đi Mỹ và đã được chấp nhận. Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua đưa đi chiếu xạ để xuất sang Mỹ”.

Tuy nhiên hiện nay có một khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu trái cây nói chung và vải thiều, nhãn nói riêng là thị trường nhập khẩu yêu cầu chiếu xạ, tuy nhiên số đơn vị thực hiện chiếu xạ của nước ta còn rất ít ỏi.

Cụ thể, hiện nay ở miền Nam có hai đơn vị chiếu xạ là Son son corp và Công ty CP Chiếu xạ An Phú đã đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề. Phía Mỹ, Australia cũng đã sang kiểm tra và chấp thuận cho hai công ty này xử lý bằng biện pháp chiếu xạ trái cây sang thị trường nước họ. Còn ở miền Bắc cho đến nay chưa có đơn vị chiếu xạ nào.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc này. Theo đó đã đầu tư, nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KH&CN). “Hiện nay, trung tâm đang trong quá trình nâng cấp trang thiết bị, kho lạnh theo tiêu chuẩn Mỹ và Australia để cuối năm nay, các vấn đề về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng được hoàn thiện. Như vậy chúng ta có thể hy vọng sang mùa vải sang năm, vải thiều sẽ được chiếu xạ ở miền Bắc”, ông Trung cho biết.

An Khuê

Top