Nhiều chuyển biến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng

12/03/2018 5:45 PM

(Chinhphu.vn) – Cán bộ, công chức Thủ đô đã thể hiện tinh thần phục vụ, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ, tiếp xúc với người dân; giải quyết các thủ tục hành chính thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ giao, am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục. Nếp sống văn minh tại xóm phố trên địa bàn Thành phố đều cũng có nhiều chuyển biến tích cực, văn minh.

Đó là một trong những kết quả cụ thể sau 1 năm thành phố Hà Nội triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Thực hiện nhiệm vụ của Thành phố giao, ngành văn hóa và các cấp, các ngành của Thành phố và của người dân Thủ đô đã có những nỗ lực lớn để đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống.

Việc làm thường xuyên, lâu dài, bền bỉ

Ngay sau khi ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng các cơ quan trực thuộc Thành phố đã tổ chức phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức, trong đó có việc giao nhiệm vụ cho phòng chức năng chủ trì, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, định kỳ hàng tuần, tháng báo cáo thủ trưởng đơn vị có hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời. 

Một số các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai tốt Quy tắc ứng xử, nhất là một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thực hiện niêm yết nội dung Quy tắc đồng thời xây dựng khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi”, 100% cán bộ nhân viên bệnh viện tham gia ký cam kết thực hiện tốt quy tắc, tiêu biểu như: Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Trung tâm pháp y.

Các cơ quan đã thực hiện bổ sung vào Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị về việc thực Quy tắc ứng xử, đưa kết quả việc thực hiện Quy tắc ứng xử vào tiêu chí bình xét thi đua hàng năm. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nắm chắc nội dung Quy tắc để nghiêm túc thực hiện, xác định đây là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm tạo sự đột phá về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng chống các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc. Qua theo dõi, các có sở, ban, ngành, quận huyện thị xã ký cam kết, bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức như: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Văn phòng HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy; các Sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền Thông, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương; các huyện: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Thạch Thất, Hoài Đức, Nam Từ Liêm…

Việc triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã được hầu hết các cơ quan đồng tình, hưởng ứng. Các sở, ngành, đơn vị thuộc Thành phố lồng ghép thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với việc triển khai Chỉ thị số 05 (khóa XII) về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/02/2017 của UBND Thành phố về tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”.

Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đột xuất, thường xuyên được cơ quan trong Thành phố đặc biệt coi trọng. Các cơ quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan; giao cho phòng, ban theo dõi việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, cơ quan, đơn vị mình.

30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai, phổ biến Quy tắc bằng nhiều hình thức khác. Các địa phương xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Một số quận, huyện bổ sung quy định “nên làm”, “không nên làm” vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố sao cho phù hợp với các quy định của địa phương, triển khai tuyên truyền để nhân dân thực hiện, như các huyện: Mỹ Đức, Quốc Oai, Long Biên, Bắc Từ Liêm.

Các cơ quan trên địa bàn thuộc Thành phố lồng ghép thực hiện quy tắc ứng xử trong Tháng hành động về môi trường, Tháng hành động an toàn thực phẩm, triển khai đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian diễn ra kỳ tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Ban Chỉ đạo 197 ra quân triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng… nhằm triển khai thực hiện Quy tắc quy tắc một cách hiệu quả.

Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Theo đánh giá UBND thành phố Hà Nội, sau một năm thực Quy tắc ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố luôn chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của nhà nước, của cơ quan, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, không sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng trong giờ làm việc, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện chấm công bằng vân tay. Không sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng, đeo thẻ trong quá trình thực thi công vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được Thành phố giao; xử lý văn bản và hồ sơ công việc khoa học, kịp thời, có một số đơn vị xử lý văn bản khép kín trên phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp của cơ quan, thành phố… Các Sở, ngành, địa phương tiêu biểu làm tốt như các Sở: Thông tin và Truyền thông, Du lịch, Lao động Thương Binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng UBND Thành phố, Kế hoạch và Đầu tư; các quận, huyện: Long Biên,  Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân.

Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: chấp hành quy định hướng dẫn tại nơi thờ tự, tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn vệ sinh chung… Không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, không mặc hở hang, một số di tích cho mượn áo choàng miễn phí cho du khách, giúp cho du khách thoải mái khi thăm vãn cảnh đền chùa mà không bị ảnh hưởng bởi trang phục phản cảm, ví dụ như: Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn.

Khi tham gia giao thông, người dân đã dần tự giác chấp hành luật giao thông, đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, làn đường quy định, không dừng đỗ xe sai quy định, không chở hàng hóa quá tải, quá khổ.

Tại điểm vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch: đóng góp xây dựng bảo vệ cảnh quan môi trường, không chen lấn, xô đẩy, gây rối, tranh giành, chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ và hàng hóa đối với khách du lịch. 

Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân khác nhau, hơn thế dân cư lại thường xuyên biến động nên việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội cũng gặp những khó khăn.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng quy định chuẩn mực ứng xử chung nhưng nhận thức và thói quen phụ thuộc vào từng cá nhân. Nhất là nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Đây là những vấn đề khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài.

Minh Anh

Top