Nhiều di sản văn hóa phi vật thể cần ưu tiên bảo vệ

29/11/2016 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Từ kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã xác định 6 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, đây là những di sản đang có nguy cơ mai một cao, có nguy cơ bị biến đổi do tác động của vấn đề đô thị hóa hay của nền kinh tế thị trường.

Hát ca trù là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian được kiểm kê. Ảnh: Hòa An

6 di sản cần ưu tiên bảo vệ

Qua quá trình kiểm kê, Hà Nội đã xác định 6 loại hình DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp dựa trên các tiêu chí có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hoá hiện tại, có tiềm năng phát triển bền vững, được cộng đồng đề xuất như là di sản được ưu tiên bảo vệ. Đó là: Di sản Tiếng lóng Đa Chất, Di sản Hát Trống quân, Di sản Bơi chải và Hội đình Lưu Xá, Di sản Hát và Múa Ải Lao, Di sản Nghề Rèn Đa Sỹ và Tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao.

Di sản Tiếng lóng Đa Chất (Xã Đại Xuyên huyện Phú Xuyên - Loại hình Ngữ văn dân gian) hiện đã biên tập, xuất bản tài liệu dưới dạng sách nghiên cứu nêu bật được một số giá trị đặc biệt của tiếng lóng Đa Chất như giá trị ngôn ngữ học, giá trị sáng tạo văn hóa và trao truyền văn hóa, giá trị tinh thần mà di sản này đã mang lại cho cộng đồng.

Di sản Hát Trống quân (Xã Khánh Hà huyện Thường Tín; xã Hát Môn huyện Phúc Thọ và xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên - Loại hình Nghệ thuật trình diễn hiện đã thu thập và lưu giữ lại các bài hát cổ xưa, các bài trình diễn do những nghệ nhân cao tuổi hiện còn nắm giữ; mở các lớp truyền dạy Hát trống quân cho nhân dân tại huyện Thường Tín, Phúc Thọ; xây dựng phim về phương pháp truyền dạy Hát trống quân nhằm hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và trao truyền di sản.

Với di sản Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) xuất bản tài liệu “Những câu hỏi và gợi ý trả lời về tập quán Bơi chải trong Hội đình Lưu Xá” nhằm mục đích giúp cho việc nâng cao nhận thức và giáo dục tri thức di sản văn hóa địa phương - Hội đình và tập quán Bơi chải ở Lưu Xá cho học sinh ở các trường học trên địa bàn.

Di sản Hát và Múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên – loại hình Tập quán xã hội) đã xuất bản bộ Tài liệu giáo dục với bộ câu hỏi và các gợi ý câu trả lời về di sản Hát và Múa Ải Lao và Hội Gióng - tài liệu là một sản phẩm để góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát và múa Ải Lao trong cộng đồng, trong lễ hội làng, đặc biệt là phục vụ lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Riêng di sản Nghề Rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đã thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng phương pháp tự giới thiệu về nghề truyền thống của mình thông qua những câu chuyện từ chính những bức ảnh do họ chụp.

Còn tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) đã xuất bản tài liệu “Những câu hỏi và gợi ý trả lời về tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì” - là nguồn tài liệu góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học hiểu về một di sản văn hóa của địa phương.

Gần 1.800 DSVHPVT được kiểm kê

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong số 1.793 di sản của 30 quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã được kiểm kê, số lượng di sản ở mỗi quận, huyện có sự chênh lệch nhau đáng kể, càng đi sâu vào nội thành, số DSVHPVT càng giảm.

Những địa phương có nhiều di sản phần lớn là các huyện ngoại thành, điển hình như: Thường Tín (129 di sản), Đông Anh (128 di sản), Ba Vì (126 di sản), Chương Mỹ (99 di sản). Có những quận trung tâm có rất ít di sản như: Hai Bà Trưng (9 di sản); Thanh Xuân (11 di sản)…Từ kết quả kiểm kê, Hà Nội đã phân loại được 6 loại hình DSVHPVT tiêu biểu là: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Lễ hội truyền thống là loại hình có con số thống kê di sản lớn nhất (chiếm 67,2%). Lễ hội truyền thống Hà Nội phong phú, đa dạng từ quy trình thực hành các nghi lễ đến các lễ vật, trò diễn dân gian… Tính đến tháng 1/ 2016, thành phố Hà Nội có 07 di sản thuộc loại hình Lễ hội truyền thống được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Bình Đà (huyện Thanh Oai), Lễ hội làng Lệ Mật (quận Long Biên), Lễ hội đền Và (Sơn Tây), Lễ hội đền Hát Môn (Phúc Thọ), Lễ hội đình Chèm (Bắc Từ Liêm), Lễ hội đình Lưu Xá (Chương Mỹ), đặc biệt Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

Ở nghệ thuật trình diễn dân gia, các DSVHPVT đã được kiểm kê là: Múa bồng làng Đại Phẩm (Chương Mỹ); cồng chiêng thôn Đông Ké (Chương Mỹ); múa cồng chiêng của người Mường ở Tản Lĩnh, Vân Hòa (Ba Vì); hát ví, hát dô (Quốc Oai); hát Ca trù (Hoài Đức)… Tuy nhiên, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang chịu sự tác động không nhỏ của quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Quá trình kiểm kê đã đánh giá thực trạng một số di sản có giá trị nhưng nguy cơ mai một cao vì còn ít người thực hành, cần được bảo vệ khẩn cấp như: Hát trống quân; Trò vật lầu ở làng Thao Chính (huyện Phú Xuyên); Hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (huyện Chương Mỹ)…

Ở tập quán xã hội, cũng theo TS. Lê Thị Minh Lý, tập quán xã hội thực tế còn được bảo tồn rất nhiều ở các làng xã, không những là một thể chế góp phần vận hành xã hội mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa hết sức riêng biệt của địa phương và tộc người, tuy nhiên đây cũng là loại hình di sản đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi, mai một do tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Trương Minh Tiến, từ 276 DSVHPVT được đưa vào diện ưu tiên bảo vệ do địa phương đề xuất, các chuyên gia điền dã nghiên cứu sâu thẩm định để xây dựng được danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ. Đây là những di sản có có tính phổ biến, giá trị độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, trao truyền liên tục từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hoá hiện tại, có tiềm năng phát triển bền vững, được cộng đồng đề xuất như là di sản được ưu tiên bảo vệ.

Hòa An

Top