Nhiều giải pháp giúp tiêu thụ nông sản bền vững

15/05/2019 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Để khắc phục tình trạng khó khăn trong tiêu thụ nông sản, các cấp, ngành chức năng thành phố Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản bền vững cho nông dân trên địa bàn.

Các doanh nghiệp, HTX cần liên kết để tiêu thụ nông sản một cách bền vững. Ảnh: Diệu Anh

Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực tổ chức tiêu thụ nông sản cho nông dân, điển hình là phát triển mạnh các chuỗi liên kết tiêu thụ. Hiện nay, Thành phố đang duy trì và phát triển 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, phối hợp với 21 tỉnh, thành trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn nhằm kết nối tiêu thụ, quản lý chất lượng, phát triển chuỗi cung ứng. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 198 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, theo khảo sát tại Hà Nội, việc kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các kênh chính thống còn hạn chế khi có tới 60% nông sản trên địa bàn Thành phố vẫn tự sản - tự tiêu. Thậm chí, tại nhiều vùng sản xuất tập trung chưa chủ động được đầu ra, nhiều vùng rau có thời điểm bị dư thừa phải nhổ bỏ.

Để đầu ra sản phẩm được thuận lợi, nhiều giải pháo được đưa ra đó là hỗ trợ nhiều hơn cho các trang trại, hộ sản xuất lớn... trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường. Đặc biệt là tư vấn, đào tạo tập huấn để nông dân, chủ trang trại nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện cam kết mua - bán, trao đổi nông sản...

Góp ý về giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, cần tổ chức sản xuất tốt để có sản phẩm bảo đảm chất lượng; nông dân, hợp tác xã cần liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm tiêu thụ ổn định tại các trường học, bếp ăn tập thể, sàn giao dịch nông sản...

Trong khi đó, Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, nông dân và hợp tác xã khi tham gia liên kết với doanh nghiệp phân phối cần tìm hiểu kỹ các điều khoản cam kết, ràng buộc giữa các bên và thực hiện nghiêm túc. Về phía doanh nghiệp, cần tổ chức thu mua đúng thời vụ, số lượng, chủng loại và thanh toán sòng phẳng cho nông dân...

Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng/khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng của Thành phố và Vùng Thủ đô. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành. Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.

Cùng với đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và khuyến nông, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, trong đó ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…

Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để bảo đảm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, bảo đảm các tiêu chí về hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu, để từ đó bảo đảm toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra là sản phẩm an toàn, đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, nâng cao tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc hằng năm.

Diệu Anh

Top