Nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

08/04/2020 7:51 PM

(Chinhphu.vn) – Trao đổi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội, cũng như vai trò của Hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội (HANOISME) cho biết, Hiệp hội sẽ bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, của Thành phố để thực hiện nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Thưa Ông, dịch bệnh Covid_19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới toàn xã hội, trong đó, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông có thể đánh giá về mức độ và sự tác động của dịch bệnh này tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội?

Ông Mạc Quốc Anh: Những thông tin diễn biến hiện nay của dịch bệnh đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô rất quan tâm và không khỏi lo lắng trước những tác động của dịch bệnh, cùng những ảnh hưởng tiêu cực đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.

Ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết mọi lĩnh vực và các ngành kinh tế trước những tác động của dịch bệnh thấy rằng, đây là đại dịch của toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng con người và đương nhiên sẽ kéo theo những tác động ảnh hưởng lớn về kinh tế. Ví dụ một số ngành như ngành du lịch, dịch vụ Thủ đô ảnh hưởng nhiều nhất. Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất vì 03 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, các quý sau phấn đấu kích cầu để bù đắp cũng rất khó khăn.

Ngành sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó sản xuất công nghiệp khả năng sẽ không có tăng trưởng.

Nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc -  hai quốc gia đang là trung tâm dịch Covid-19 lớn nhất trên thế giới. Đơn cử như ngành hàng đồ gia dụng, Công ty CP Sunhouse bị ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ mỗi tháng 2 contener nay cũng không hoàn thiện được sản phẩm để xuất khẩu vì thiếu linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu.

Đối với máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải, các mặt hàng công nghiệp phục vụ sản xuất cho các ngành này có nguồn nhập khẩu 25% từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc. Ước tính mức suy giảm của ngành này khoảng 20% với từng quý.

Theo thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp, nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ có thể duy trì nhịp độ đến hết quý I năm 2020. Sau thời điểm này không có nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ phải dừng hoặc giảm quy mô hoạt động. Đối với việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế có những khó khăn nhất định:  Với 80% đơn hàng gia công hiện nay, 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nhà cung cấp nên doanh nghiệp Việt Nam không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt. Trong trường hợp các doanh nghiệp có thể chủ động những nơi cung ứng nguyên liệu mới như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh, … thì thực tế không thay thế đơn giản vì giá thành cao hơn đầu tư vào từ Trung Quốc và mất thời gian đàm phán để bù đắp nguyên liệu, sức cạnh tranh sẽ không còn.

Thưa Ông, với vai trò là cầu nối doanh nghiệp với chính quyền thành phố, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã thực hiện vai trò của mình như thế nào kể từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay?

Ông Mạc Quốc Anh: Là Hiệp hội đứng đầu trong các Hiệp hội toàn thành phố, với hơn 2.500 hội viên, chúng tôi cố gắng tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với các giải pháp thiết thực và hiệu quả, như xúc tiến thương mại, giao thương, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho Doanh nghiệp thúc đẩy thu hút đầu tư và bên cạnh sản xuất kinh doanh phát triển giúp cho Doanh nghiệp liên kết chuỗi trong sản xuất kinh doanh.

Theo tôi, điều cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc hỗ trợ lãi suất vay vốn, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối các DN IT hỗ trợ giải pháp sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ thông tin, kết nối làm việc trực tuyến, giao dịch qua các phương tiện thông tin, đổi mới quản trị doanh nghiệp

Tìm kiếm thị trường mới, phát triển sản xuất kinh doanh tăng trưởng hàng năm 10%-15%, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa nội khối. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng tôi cũng tổ chức khảo sát tình hình của doanh nghiệp, từ đó Hiệp hội gửi những đề xuất, kiến nghị giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với các cơ quan quản lý Nhà nước; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN; tăng cường giao thương kết nối vùng miền và các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm

Hiệp hội có đề xuất, kiến nghị gì tới Trung ương, Thành phố cũng như các doanh nghiệp thuộc hiệp hội để giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, đồng thời, chung tay với Thành phố trong phòng chống và khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid_19?

Ông Mạc Quốc Anh: Như tôi đã nói ở trên, cùng với tình hình chung tại Việt Nam và trên thế giới, năm nay sẽ là một năm nhiều khó khăn với tất cả. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ không hề nhỏ.

Trước tình hình này, HANOISME sẽ tiếp tục bám sát những chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, theo đó, sẽ tổ chức giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh của công xưởng, nhà máy theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, làm thế nào để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất theo tinh thần mà Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo mới đây; khuyến nghị các ngành hàng, hiệp hội phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước ngoài các tiêu chuẩn ISO hiện nay thì cũng cần xây dựng tiêu chuẩn an toàn để hoạt động trong an toàn để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Hiệu hội cũng sẽ kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho Doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư các cụm Công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh; hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp trừ các trường hợp vi phạm;

Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh nhu cầu mua sản phẩm; Giảm tiền thuê mặt bằng (giá thuê đất hàng năm giảm 50% cho 6 tháng đầu năm 2020); cung cấp thông tin thị trường, dự báo kịp thời;

Dự kiến, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức một số khóa học online hỗ trợ doanh nghiệp việc phát triển đào tạo online trong DN khi DN ngừng hoạt động như quản trị nhân sự, lãnh đạo thích ứng. Đối với lao động mất việc hoặc đang nghỉ cũng cần tham gia các chương trình tập huấn phù hợp với lộ trình thay đổi. Thành phố cần tập trung tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công và các DN phải chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất sau khi hết dịch. Đặc biệt, đối với những kiến nghị từ phía DN, UBND Thành phố cần xử lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn xử lý.

Nhân đây, Hiệp hội cũng xin có những kiến nghị tới Chính phủ trong việc hoãn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, giảm thuế 50% thuế VAT, thuế đất đến hết quý II/2020; giãn thời gian trả nợ ngân hàng, khoanh nợ…Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoản nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay; giảm, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

Chung tay phòng, chống dịch Covid-19, HANOISME sẽ tiếp tục khảo sát tình hình các doanh nghiệp và tuyên truyền động viên các doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện nghiêm mọi chỉ đạo phòng, chống dịch của Trung ương và Thành phố; song song với an toàn phòng chống dịch, sẽ vận động phát huy các sáng kiến trong sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tế, cùng thành phố thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top