Nhiều hiện vật quý được tìm thấy tại cụm di chỉ Vườn Chuối

24/10/2019 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) là đơn vị được giao nhiệm vụ khai quật, thăm dò tại di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) vừa công bố kết quả những phát hiện khảo cổ mới nhất trong đợt khảo cổ gần đây.

Di chỉ Vườn Chuối

Di chỉ Vườn Chuối là di chỉ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội cách đây ít nhất từ 3.500-2.000 năm.

Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969, có tổng diện tích phân bổ di tích gần 12.000m2. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy.

Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có 8 cuộc khai quật. Tổng diện tích khai quật là 799m2. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.

Việc tìm ra địa tầng này là một trong những minh chứng cho sự phát triển liên tục, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở thủ đô Hà Nội và phía bắc Việt Nam.

Trong đợt khai quật lần này, khi đào rộng hố khai quật, các nhà khoa học phát hiện một số hiện vật mộ táng thu được còn ở tình trạng tốt, có thể đủ điều kiện làm ADN, xác định niên đại. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ thu được 15 mộ, đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với hai loại: Mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện 7 mộ hiện đại.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. 

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cùng với kết quả 8 đợt khai quật trước, cuộc khai quật này đi tới kết luận ban đầu về giá trị rất lớn của Vườn Chuối. Di chỉ này được xem là một trong những di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn ở Hà Nội và phía Bắc còn sót lại.

Tại buổi công bố, các nhà khoa học cũng đề xuất 3 phương án bảo tồn cụm di tích Vườn Chuối. Theo đó, phương án thứ nhất Bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di tích Vườn Chuối với tổng diện tích gần 12.000m2; trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào.

Phương án 2 là Dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho chủ đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 và chủ đầu tư xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hoá.

Phương án 3 được đề xuất là Bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây của di chỉ. Đồng thời với việc khai quật là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.

Minh Anh

Top