Nhiều kết quả đáng khích lệ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

25/11/2020 6:08 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 25/11, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Minh Anh

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố... đến từ 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho rằng chất lượng thực hiện đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đời sống của nhân dân. Cụ thể, hoạt động khoa học kỹ thuật đạt được kết quả đáng khích lệ; công tác y tế khắc phục được tình trạng quá tải; các chỉ tiêu đều đạt được so với kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Liên quan đến vấn đề đời sống văn hoá cơ sở, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, người Hà Nội thanh lịch văn minh là nội dung then chốt trong chương trình phát triển văn hoá của Thủ đô; cũng là nội dung cốt lõi trong Chương trình 04 giai đoạn 2011-2015, 2016-2020.

Xuyên suốt nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các nội dung, phong trào cụ thể được triển khai rộng khắp từ gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa đến hệ thống chính trị các cấp.

Vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây cũng được coi là nội dung quan trọng đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước và chỉ đạo triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống.

Định hướng có tính bao trùm nhất phải kể đến Chương trình số 04 với nhiệm vụ được coi là khâu đột phá. Trong đó thành phố đã ban hành hai Bộ Quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Những quy tắc này đã làm thay đổi căn bản nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội. Việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh. 

Bà Bùi Thị Thu Hiền cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình 04 là việc một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ thực hiện phong trào cơ sở cũng như việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; việc kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên liên tục; việc giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức…

Theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long, 5 năm qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nội dung này. Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt... đã được đề cao, tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa cao. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người tốt, việc tốt”…được thực hiện đều khắp trên địa bàn thành phố. Những việc này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất toàn thành phố đạt 60,85%. Việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã có những thay đổi rõ rệt. Về cơ bản, các đám cưới được tổ chức theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm. Một số quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc cưới văn minh gồm: Quận Ba Đình đạt tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên đạt tỷ lệ 98%; huyện Mỹ Đức đạt tỷ lệ 95%... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có những chuyển biến rõ nét. Các hoạt động “buôn thần, bán thánh”; các hình thức cờ bạc, bói toán tại các lễ hội lớn như: Chùa Hương, Hai Bà Trưng… giảm nhiều. 

Đến nay, Thành phố đã phát hành hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử. Các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện.

Tuy đạt được những thành tựu trên, song do tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Kế thừa 8 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng 10 chương trình công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có Chương trình 06 với nội dung “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.

Minh Anh

Top