Nhớ văn hóa Tết Hà Nội

09/02/2016 1:12 PM

(Chinhphu.vn)- Người ta yêu Hà Nội vì đó là Thủ đô. Tất nhiên là thế rồi. Nhưng có lẽ dung dị hơn, được nhiều người đồng tình hơn, người ta yêu Hà Nội chính vì hai điều, thời tiết Hà Nội và văn hóa Hà Nội. Và cả hai điều đó, đều hiển hiện trong dịp Tết.

Một buổi sáng nào đó, đi trong gió Thu se lạnh. Trên cao, những tán lá bàng nhếnh nháng mưa. Lá bàng thấp thoáng tươi đỏ, lá sấu vàng, lá cơm nguội vàng, lá xà cừ xanh… nhạt nhòa trong cơn mưa bụi. Thứ mưa bụi, thứ “quá mù ra mưa” chỉ đồng bằng Bắc Bộ, chỉ Hà Nội mới có. Mưa nhẹ không, có thể thấy những hạt nhỏ li ti bay bay, để lại từng chấm lạnh trên da mặt, ấy thế mà chỉ một lúc, đầu tóc ướt sũng, áo len áo dạ trắng bông.

Kết tinh văn hóa nhiều vùng miền

Văn hóa Hà Nội là giao thoa tinh hoa văn hóa nhiều vùng miền giống như cư dân Hà Nội từ khắp nơi tụ lại. Tới đây, thích hợp với lề luật, cách cư xử, cách sống của cư dân đô thị gần triều đình; với cách cư xử nền nã “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” của một trung tâm đô thị; hòa trộn với niềm tự hào gia phong, gia giáo của người thành thị tách bạch với quê nghèo lam lũ… Đời này qua đời khác, những thế hệ cư dân sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và chết đi cũng ở Hà Nội hình thành một nền văn hóa mà ta quen gọi là văn hóa Hà Nội tinh tế, thanh lịch, nền nã chẳng thơm cũng thể hoa nhài…

Ngày Tết, có thể nói là ngày lý tưởng nhất trong năm để được sống trong không khí văn hóa. Trong ngày Tết, mọi cách sống tốt nhất của con người đều được thể hiện. Người ta cư xử với nhau tốt hơn, ân cần hơn. Có thể hôm qua họ là hai đối thủ, tranh giành bán buôn, lời qua tiếng lại, không thèm nhìn mặt nhau. Nhưng Tết đến thì dù muốn dù không, khi đụng mặt, họ vẫn chào nhau một tiếng, chúc cho nhau những lời tốt đẹp.

Rồi những gia đình có cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng Tết đến, họ cũng cố gắng sắm được chiếc áo lành lặn, có được bữa cơm tươm tất hơn dù là đạm bạc. Và ngày Tết chính là ước mơ của họ, là điều mà họ muốn vươn tới. Đó là có được cơm ăn áo mặc, có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc…

Trong ngày Tết, các cơ quan công quyền cũng nghỉ ngơi, gác lại mọi công việc ngổn ngang. Đặc biệt, không ai nỡ đem người phạm tội ra xử án trong ngày Tết, mà phải gác lại để xử sau. Bởi ngày Tết là ngày mọi người đều mong mỏi được xá tội, không muốn thấy tù đày, chết chóc.

Những mỹ tục cần gìn giữ

Người Hà Nội còn có tục du Xuân, lễ chùa, cầu Phật. Khi mùa Xuân đến, đất trời khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc, sự sống hồi sinh, trẻ em, người lớn cùng chung hưởng tiết Xuân ấm áp, cùng lễ chùa cầu phúc. Sống trong cả một cộng đồng dân cư cùng một đức tin, cùng niềm sùng mộ, lòng ta yên tâm, ấm áp hẳn.

Về phía gia đình, ngày Tết cũng là những ngày thực hiện những nghi thức gia phong. Ngày Tết, gia đình có dịp quây quần, đoàn tụ sau những ngày làm ăn xa cách. Không khí đầm ấm hơn khi cha mẹ, ông bà, con cháu cùng ăn chung mâm, uống chung với nhau một ấm trà. Tết cũng là dịp anh chị em có dịp chăm sóc nhau, thương yêu nhau hơn…

Ngày Tết còn là dịp con cháu bộc lộ sự biết ơn với tổ tiên. Trên bàn thờ gia tiên, con cháu dâng những mầm xanh của lộc trời, những hoa thơm quả ngọt, bánh trái tinh khiết để tỏ lòng thành kính, biết ơn và cũng là ước mơ, mong muốn tổ tiên lúc nào cũng phù hộ cho gia đình có được cuộc sống ấm no, bình an vô sự.

Tất cả những điều đó là mỹ tục, là nếp văn hóa của người Hà Nội và của cả dân Việt, là bản sắc dân tộc cần được gìn giữ. Còn gì là Hà Nội nếu không còn những phong tục ấy, cũng không còn những tục ngàn đời như xông đất, xông nhà, trồng cây nêu, nấu bánh chưng, hái lộc xuân… trong ngày Tết.

Gạn đục khơi trong

Nhưng cái xấu và cái tốt luôn cùng nhau tồn tại trong cuộc sống. Ngày Tết là ngày tôn vinh truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc, nhưng ngày Tết cũng không tránh khỏi những hủ tục lạc hậu cả cũ và mới. Đốt pháo tiễn năm cũ đón năm mới là một phong tục đẹp, nhưng đốt pháo quá nhiều gây lãng phí tiền của, nguy hiểm đến tính mạng con người, nên đã bị cấm. Nạn đánh bạc đến tán gia bại sản trong ngày Tết, hay như rượu chè say sưa tối ngày, đánh vợ chửi con, bói toán dị đoan… thì không thời nào xem là tốt. Bên cạnh những tục cũ, nhiều thói quen, hủ tục mới cũng khiến Hà Nội xấu đi trong mắt nhiều người, nhất là người nước ngoài như cúng bái, đốt vàng mã tốn kém lãng phí, cởi trần đua xe máy; vứt rác, vứt giấy lộn ra đường. Đó chính là cái phản văn hóa, phản truyền thống thanh lịch của Hà Nội trong ngày Tết.

Người ta nói, Hà Nội đang mất dần nếp văn hóa thanh lịch quý giá trong truyền thống, tôi nghĩ là chưa hẳn. Văn hóa là sản phẩm tích tụ lâu đời không dễ hiển hiện nhưng cũng không dễ mất đi, giống như người ta vẫn cho rằng người Việt Nam hay vứt rác, nhổ bậy nhưng trong một môi trường nào đó, trên máy bay chẳng hạn, những thói quen đó lập tức biến mất. Cái cần thiết là phải tác động vào ý thức, tạo thành thói quen sống có văn hóa cho người dân. Nếu còn những quan tham sống xa hoa lãng phí, những hiện tượng mất dân chủ, coi thường pháp luật, để mặc cho tội ác hoành hành thì không thể yêu cầu người dân sống ngăn nắp, trật tự, tôn trọng văn hóa công cộng được. Để ngăn chặn những điều đó, cần cả hai phía, Nhà nước và người dân cùng nhau thực hiện.

Theo KTĐT

Top