Nỗ lực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư

01/01/2020 9:48 AM

(Chinhphu.vn) – Năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội đạt mức cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Năm 2019 cũng được ghi nhận là một năm Hà Nội triển khai quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp năm 2019 của thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2019, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI) năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Chỉ thị quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; về đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2019 về nâng cao Chỉ số PCI năm 2019; kế hoạch cải cách hành chính năm 2019, đặt mục tiêu hướng tới sự hài lòng của công dân, doanh nghiệp trong công tác cải cách TTHC; triển khai kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Hà Nôi đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. hồ sơ doanh nghiệp đăng ký trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ 76,5%, mức độ 4 đạt 23,5%. Rà soát quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng, cắt giảm thời gian giải quyết nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Từ cuối tháng 3/2019, hồ sơ trực tuyến đã được ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết, như: đăng ký mẫu dấu (giải quyết hồ sơ trong 1 ngày/quy định của pháp luật là 3 ngày làm việc), chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh (giải quyết hồ sơ trong 3 ngày/quy định của pháp luật là 5 ngày làm việc); thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện (giải quyết hồ sơ trong 2 ngày/quy định của pháp luật là 3 ngày làm việc).

Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện rà soát, đánh giá trình tất cả các TTHC, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, các quy chế công tác, quy chế phối hợp; 05 giải pháp tuyên truyền, công khai TTHC thuế và kết quả giải quyết TTHC; 18 giải pháp thực hiện các nội dung hỗ trợ…

Triển khai hoạt động sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý thuế trong đó có một số sáng kiến có tác động trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giúp giảm thời gian, chi phí cho DN.

Về lĩnh vực hải quan, trong năm nay Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019; xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu…Đồng thời triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động kho, bãi, cảng; triển khai hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài..

Năm 2019, Hà Nội triển khai Nghị quyết của số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp năm 2019 của thành phố Hà Nội ở cả lĩnh vực bảo hiểm xã hội, với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về kê khai, đóng nộp BHXH, BHYT;

Phát triển tốt tín dụng ngân hàng, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt kết quả tốt; triển khai thực hiện Kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt..

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, Hà Nội duy trì thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 12 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 14 ngày; lĩnh vực đo đạc bản đồ 07 ngày làm việc. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua mạng, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tất cả TTHC thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Thành phố đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của 30/30 quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Trên cơ sở đó, đã hoàn thành hồ sơ thu hồi đất giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đối với 185 khu đất, diện tích 292 ha. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xem xét, thống nhất các giải pháp giải quyết vướng mắc về đất dịch vụ…

Về lĩnh vực xây dựng, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện các bước thực hiện dự án trước khi cấp phép xây dựng theo Chỉ tiêu Cấp phép xây dựng trong Bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới còn tối đa 120 ngày. Hiện nay, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã giảm từ 30 ngày xuống còn 10 ngày làm việc và thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng đang được thực hiện ở các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Giao thông Vận tải; Quy hoạch Kiến trúc; Công an Thành phố (Cảnh sát phòng cháy chữa cháy); Tổng Công ty điện lực Thành phố đã giảm được từ 15 đến 25 ngày tùy từng trường hợp cụ thể. Áp dụng nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14/14 thủ tục cấp Giấy phép xây dựng và hướng dẫn UBND các quận thực hiện triển khai dịch vụ công mức độ 3 đối với cấp phép xây dựng; hiện đang nghiên cứu triển khai thí điểm dịch vụ công mức độ 4 tại quận Long Biên.

Giảm thời gian giải quyết 05 ngày làm việc đối với thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chi phí tiết kiệm khi đơn giản hóa: 7.444.314 đồng/01 năm, tỷ lệ cắt giảm chi phí 18,91%.

Trong năm 2019, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại điện tử, dịch vụ logistic, Hà Nội tiếp tục thực hiện Quyết định số 2280/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 về liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình điện trung áp trên địa bàn Thành phố.

Năm nay Hà Nội cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại nhân dân cũng như hợp tác với các tỉnh thành trong nước; mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư và du lịch; khẳng định rõ nét vai trò của Thủ đô, từng bước nâng cao vị thế Thủ đô, đóng góp ngày càng quan trọng vào kết quả đối ngoại của cả nước. Quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện.

Tiếp tục mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội ước đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; trong đó: 800 dự án mới, vốn đăng ký 1,5 tỷ USD; 165 lượt dự án tăng vốn thêm 1,1 tỷ USD; 1.100 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, trị giá 5,45 tỷ USD; lũy kế vốn đạt khoảng 42 tỷ USD với 5.300 dự án còn hiệu lực.

Về thu hút đầu tư trong nước, thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư 27 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tổng số vốn đăng ký 17,37 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 67 dự án, trong đó 47 dự án tăng vốn thêm 18,94 nghìn tỷ đồng.

Năm 2019 ước có 27.902 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 510.732 tỷ đồng, tăng 11% về số lượng doanh nghiệp và tăng 30% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 2.270 doanh nghiệp giải thể, tăng 32% so với cùng kỳ; 8.009 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 28% cùng kỳ; 5.535 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt 280.304 doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, việc chỉ đạo rất quyết liệt việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, từ cải cách hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, tín dụng, quy hoạch, đất đai, đầu tư, giải phóng mặt bằng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp… đã góp phần giúp Hà Nội đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư trong năm 2019.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư, Hà Nội tiếp tục kiên định mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI). Phấn đấu năm 2019, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo tiếp tục đạt và vượt so với các chỉ tiêu đã đạt kết quả trong năm 2019; chỉ số PCI năm 2020 đạt điểm số và xếp hạng tăng so với năm 2019;

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của Thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, kinh doanh, xây dựng, đất đai…

Tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân. Chuẩn hóa, tích hợp, kết nối các nguồn dữ liệu, cơ chế trao đổi thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý giữa các cơ quan;

Quán triệt sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Tích cực đẩy mạnh hợp tác và phát triển các dịch vụ ngân hàng quốc tế. Tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông thôn mới.

Cùng với các nhiệm vụ trên đây, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về công vụ, cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và hậu kiểm; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Minh Anh

Top