Nỗ lực vượt bậc trong sản xuất công nghiệp Thủ đô

22/12/2020 11:35 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhờ chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền Thủ đô, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã phục hồi và tăng trưởng trở lại. Ảnh: Diệu Anh

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 của Hà Nội đã tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, IIP ước tăng 4,45% so với năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3%, chiếm trên 90% cơ cấu ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện tăng 5,82%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,5%; khai khoáng giảm 12,48%.

Nếu so sánh với năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%, năm 2018 tăng 7,5% thì mức tăng của năm 2020 được xem là khiêm tốn. Tuy nhiên theo đại diện Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, mức tăng trên là khá cao so với mức tăng chung cả nước, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô cũng như chỉ đạo, điều hành kịp thời của Thành phố.

Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nhật Indema (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã làm các chuỗi liên kết sản xuất cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, khiến các doanh nghiệp trong nước bị thiếu hụt nguyên liệu, giảm đơn đặt hàng. Nhưng khi TP. Hà Nội và cả nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường trong nước đã giúp doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, các ngành có ưu thế, cơ hội phát triển như: Chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế (khẩu trang, hóa chất khử trùng…), chế tạo thiết bị trong lĩnh vực thông tin, truyền thông…, được tập trung thúc đẩy, bù đắp cho lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cùng với những giải pháp hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp của Thành phố, Sở cũng đã tích cực thực hiện các đề án hỗ trợ kết nối doanh nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn... với hệ thống phân phối, tiêu thụ; đồng thời tổ chức kích cầu thị trường nội địa thông qua hội chợ, tuần hàng, sự kiện khuyến mại tập trung… nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 19 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, tiếp tục thẩm định chín cụm công nghiệp. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tính chung cả năm ước tăng 6,76% và đóng góp 1,51 điểm % tốc độ tăng GRDP…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Để đạt mục tiêu này, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 204-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 4303/QĐ-UBND ngày của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cũng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng, địa phương của Thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức nhiều hơn những triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn đến tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với ngành công nghiệp, Thành phố tiếp tục các giải pháp cơ cấu lại theo hướng nâng tỷ trọng đầu tư công nghệ; hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghệ cao (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc…) và tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, các sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước; có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao; có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ;…

Diệu Anh

Top