Nơi lưu giữ nếp nhà người Việt

15/02/2021 7:05 PM

(Chinhphu.vn) - 87 Mã Mây, 1 trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX vẫn còn giữ được nét nguyên sơ ban đầu và cũng là địa điểm níu chân du khách mỗi dịp đến Thủ đô, nhất là vào những ngày đầu xuân năm mới để tìm về hương vị Tết cổ truyền trong một không gian hoài niệm về Hà Thành xưa cũ.

Ngôi nhà Di sản đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách muốn tìm hiểu về cuộc sống thường nhật của người Hà Nội xưa. Ảnh: Diệp Anh

Những ngày cận Tết, người Hà Nội vẫn giữ cho mình thói quen dạo quanh phố cổ từ phố Hàng Lược với chợ hoa truyền thống, phố Hàng Mã với đồ trang trí Tết, Hàng Buồm với đủ loại bánh kẹo, Hàng Đường có mứt Tết, ô mai… vừa để mua sắm vừa để thưởng cái không khí Tết đang cận kề.

Khác với những con phố khác, phố Mã Mây còn lưu giữ được nhiều nhà cổ nhất Hà Nội. Phố không quá tấp nập người mua, kẻ bán và thường được gọi là phố của hai phố vì được ghép bởi hai tuyến phố xưa là Hàng Mây và Hàng Mã (khác với phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân).

Sân trong là điểm đặc biệt của ngôi nhà, là nơi ngăn cách các lớp nhà với nhau. Ảnh: Diệp Anh

Đến phố Mã Mây, bạn đã có thể hình dung rõ nét về văn hóa và kiến trúc của đất kinh kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nổi bật trong đó là ngôi nhà cổ số 87 với kết cấu vẫn còn nguyên vẹn.

Chỉ cần bước qua khung cửa gỗ nâu trầm của ngôi nhà 87 Mã Mây là bước vào một không gian tĩnh lặng, cổ xưa tách biệt hẳn với phố phường náo nhiệt bên ngoài.

Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6m2. Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây.

Từng vật dụng của ngôi nhà cổ vẫn được giữ nguyên vẹn. Ảnh: Diệp Anh

Ngôi nhà mang hình dáng đặc trưng của nhà Hà Nội cổ với kiến trúc hình ống, hẹp về chiều ngang nhưng lại rất sâu. Từ hệ thống các phòng, gác lửng, sân trong đều được thiết kế khéo léo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đa dạng và tiện lợi. Trong đó, sân trong là điểm đặc biệt của ngôi nhà, là nơi ngăn cách các lớp nhà với nhau. Đây chính là những khoảng giếng trời lấy ánh sáng tự nhiên, là nơi để bày chậu hoa, tiểu cảnh hay để đặt những bộ bàn ghế nhỏ đàm đạo thưởng trà, ngắm hoa.

Gian bếp sau nhà là khoảng sân trong cùng với ánh sáng tự nhiên thoáng mát, sạch sẽ. Ảnh: Diệp Anh

Du khách sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi càng vào sâu càng thấy được những nét độc đáo của kiến trúc ngôi nhà cổ Bắc Bộ. Lớp ngoài là cửa hàng, không làm tường vách mà mở thông ra phố để bày hàng, bán hàng. Tiếp đến là gian nhà hậu, kho hàng và nhà bếp, khoảng sân sau cùng với chum vại đựng nước những ngày mưa.

Bước lên cầu thang gỗ nhuốm màu thời gian là tầng 2 với không gian thờ và phòng ngủ. Tất cả các gian phòng đều có ánh sáng tự nhiên hắt vào. Nhà được xây với nguyên liệu chủ yếu là gỗ nên mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Bước lên cầu thang gỗ là tầng hai với gian thờ và buồng ngủ. Ảnh: Diệp Anh

Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp Quốc gia. Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã trở thành địa chỉ giới thiệu về kiến trúc ngôi nhà ống đặc trưng và lối sinh hoạt truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội. Thành công của việc trùng tu nhà cổ Mã Mây là tiền đề để thực hiện các dự án khác, nổi bật là đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào).

Khoảng nối giữa gian thờ và buồng ngủ của tầng hai ngôi nhà cổ. Ảnh: Diệp Anh

Hiện nay, ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây đã trở thành địa điểm văn hóa của người Hà Nội, của du khách trong và ngoài nước. Du khách đến tham quan ngôi nhà, không chỉ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa mà còn được thưởng thức những sự kiện văn hóa đặc sắc.

Vào những dịp Lễ, Tết như Rằm Trung thu, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu cách làm đồ chơi truyền thống: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; con phỗng đất, con giống bột, diều giấy…

Gian thờ ở tầng hai. Ảnh: Diệp Anh

Cùng việc giới thiệu các đồ chơi, trò chơi, Ban Quản lý Phố cổ cùng các nghệ nhân thuyết trình về ý nghĩa các đồ chơi, trò chơi – đó không đơn thuần để giải trí, mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu cũng được tái hiện tại Ngôi nhà Di sản.

Do tác động của dịch COVID-19, Ban Tổ chức đã đổi mới việc tổ chức Tết Trung thu. Trong đó, nhiều hoạt động trải nghiệm tương tác được thực hiện theo hình thức trực tuyến (livestream), sử dụng các công nghệ hỗ trợ để nghệ nhân, thợ thủ công giao lưu, hướng dẫn các gia đình và các bé làm đồ chơi truyền thống.

Buồng ngủ ở tầng 2. Ảnh: Diệp Anh

Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây mở cửa hằng ngày để đón khách tham quan. Buổi tối, nơi đây thường xuyên tổ chức những buổi hát ca trù do giáo phường Thăng Long biểu diễn.

Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2021” được tổ chức tại phố cổ Hà Nội, trong đó có địa điểm 87 Mã Mây. Tuy nhiên do COVID-19 diễn biến phức tạp nên phần hội sẽ không được tổ chức, thay vào đó là các hoạt động trưng bày, giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống, không gian đón Tết của gia đình Hà Nội; giới thiệu nguyên liệu tơ vải và trang phục Áo Dài ngũ thân của các nghệ nhân; sắp đặt không gian triển lãm, trưng bày một số hiện vật giới thiệu con giáp của năm Tân Sửu trong văn hóa Việt…

Ngôi nhà Di sản với hoa đào, lay ơn, thủy tiên, tranh Đông Hồ, câu đối đỏ… trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Diệp Anh

Theo Ban Tổ chức, chương trình nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; đề cao giá trị của ngôi Đình và không gian văn hóa xung quanh ngôi đình. Qua hoạt động “Tết Việt - Tết Phố 2021”, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội mong muốn giới trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông; đặc biệt, nâng cao ý thức của cộng đồng về một “lễ hội” lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây đồng thời là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.

Diệp Anh

Top