Nông sản rõ nguồn gốc mới chiếm khoảng 20%

01/07/2016 1:45 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay tại Hà Nội lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%, các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Vì vậy việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn cần được đẩy mạnh, để đảm bảo sức khỏe và nhu cầu người tiêu dùng.

Rau hữu cơ được trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: Tú Mai

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị Tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn Hà Nội, diễn ra vào ngày 1/7.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện nay TP đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, chè an toàn, hoa chất lượng, các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, các trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo các tiêu chí về VSTY, ATDB, ViệtGap…, tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo VSATTP đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng nhãn hiệu được chú trọng, hiện đã xây dựng và phát triển được 27 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến, đây được xem là tiền đề để tạo dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh. Cùng với đó, một số vùng sản xuất rau, quả an toàn đã có nhà sơ chế quy mô lớn đảm bảo điều kiện kỹ thuật để phân loại, sơ chế, đóng gói rau trước khi đưa vào hệ thống phân phối như đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết từ khâu sản xuất - Sơ chế đóng gói - Tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.  

Ngoài ra, công tác chứng nhận chất lượng được quan tâm, do đó nhiều vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, sản xuất chè tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGap. Tiêu biểu trong đó là sản phẩm quả nhãn chín muộn Hoài Đức, tiêu chuẩn chất lượng đã được thị trường Mỹ chấp nhận và sản phẩm cam Canh, bưởi Diễn đã được đối tác Nhật Bản quan tâm hỗ trợ để phát triển. Đây là cơ sở để đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối lớn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô cũng như xuất khẩu. Đồng thời đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả và phát triển trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên vệc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức mạnh ai người đó làm, nên khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và sản phẩm tạo ra tính cạnh tranh thấp. Một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vẫn chạy theo những lợi ích trước mắt, không nghiêm ngặt quy trình sản xuất và trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ. Công nghệ và cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản thực phẩm ở cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng thương mại các điểm phân phối còn hạn chế chưa đảm bảo yêu cầu. Ngoài ra chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp phân phối nông sản thực phẩm an toàn, một lượng lớn nông sản thực phẩm an toàn vẫn được tiêu thụ qua các kênh truyền thống nên giá bán chưa cao và chưa mang tính bền vững...

Vì vậy ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, trong thời gian tới cần phải tăng cường khả năng liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau để tăng cơ hội liên kết hợp tác và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đẩy mạnh đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm, kết hợp với hình thức giám sát. Đồng thời cần có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản thực phẩm, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm kém chất lượng.

Tú Mai

Top