Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề: Lời giải từ công nghệ sạch

15/07/2020 6:08 PM

(Chinhphu.vn) – Quản lý môi trường tại các làng nghề vẫn tồn tại nhiều bất cập do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ sạch đang là hướng đi để bảo vệ môi trường và phát triển làng nghề bền vững.

Ảnh: Đỗ Hương

Báo động tình trạng ô nhiễm

Tại Hà Nội, kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề theo Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố mới đây cũng cho thấy có 40/65 làng nghề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Qua thực hiện Đề án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng. Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.

Điển hình tại làng nghề bún Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) vốn nổi tiếng với sản phẩm bún truyền thống. Người dân ở làng nghề này chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm bún.

Ông Nguyễn Văn Họa, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô cho biết, hiện tại, số lượng bún Phú Đô bán ra thị trường Hà Nội gần 90 tấn bún mỗi ngày. Trước những năm 1990, làng Bún Phú Đô có gần 1.000 hộ làm bún, chiếm hơn 90% số hộ trong toàn thôn với công nghệ làm bún hoàn toàn thủ công: từ xay bột, giá bột… hoàn toàn bằng sức người và chỉ sử dụng lò than để luộc bún. Than nắm, than tổ ong được sử dụng thường xuyên gây đã tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vấn đề nan giải nhất về ô nhiễm môi trường của làng nghề bún Phú Đô là ô nhiễm nguồn nước và không khí, do nước thải và khí than thải ra môi trường trong quá trình sản xuất.

Kết quả điều tra 500 hộ làm bún của làng Phú Đô cho thấy, bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19-22 kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề này thải ra môi trường khoảng 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. Công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất thải hoạt động kém khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Đô ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Thực trạng ô nhiễm môi trường không chỉ xảy ra đối với làng nghề bún Phú Đô mà nó là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề trên toàn TP hiện nay.

Lời giải từ công nghệ

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, nhiều làng nghề đã sử dụng năng lượng thay thế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, như làng gốm Bát Tràng thay lò nung gốm bằng than chuyển sang nung gốm bằng lò ga. Việc sử dụng lò ga để nung sản phẩm gốm vừa chủ động điều chỉnh được nhiệt độ trong quá trình nung gốm nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt việc thay thế than bằng ga đã giảm ô nhiễm, độc hại đáng kể cho cả vùng.

Ông Nguyễn Văn Họa, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô cũng cho biết, người dân làng nghề bún Phú Đô cũng đang dần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới loại bỏ lò than, thay thế bằng các thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tăng năng suất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, sức khỏe người dân được đảm bảo.

Giới chuyên gia nhận định, việc sử dụng công nghệ đốt gas để nung sản phẩm gốm sứ giúp tại Bát Tràng đã giúp DN giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%. Lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ, DN không chỉ tiết kiệm được chi phí năng lượng, mà công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60%-70% trước kia và giảm phát thải các chất ô nhiễm không khí ra môi trường.

Từ đó, không chỉ đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng nâng cao mà môi trường làng nghề cũng được cải thiện đáng kể. Chính bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các làng nghề truyền thống cần loại bỏ các lò than trong sản xuất để thay thế bằng công nghệ đốt mới hiện đại hơn, giảm thiểu ô nhiễm, khói bụi, hướng tới các làng nghề xanh, phát triển bền vững.

Ðể giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tạo ra những bước chuyển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án để đánh giá ô nhiễm làng nghề.

Theo kế hoạch đã được Sở Công thương Hà Nội đề xuất, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Cụ thể, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, dành 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Đỗ Hương

Top