Ổn định quan hệ lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19

25/06/2021 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Do tác động bởi dịch COVID-19, để ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra và thực hiện tốt chức năng chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Ổn định quan hệ lao động và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Theo LĐLĐ TP. Hà Nội, dịch bệnh COVID-19 (đợt dịch thứ 4) có diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống, việc làm, thu nhập của hàng chục nghìn người lao động, từ đó tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp lao động, đình công và ngừng việc tập thể.

Vì vậy việc đưa ra kế hoạch này sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID- 19. Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch bệnh, vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn thành phố.

Để ổn định quan hệ lao động, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người sử dụng lao động và người lao động biết, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Vận động công nhân lao động thi đua lao động giỏi, tăng năng suất lao động, khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm vượt qua đại dịch COVID-19.

Đồng thời thông qua công đoàn cơ sở thường xuyên nắm chắc số lượng doanh nghiệp, mức độ bị ảnh hưởng và số người lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm, mất việc làm do dịch bệnh COVID-19, để có phương án hỗ trợ. Khi có vướng mắc phát sinh, công đoàn cần khẩn trương tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, nhằm kịp thời giải quyết, tránh tranh chấp lao động, đình công xảy ra. 

Công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án sản xuất, phương án sử dụng lao động phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, trong bối cảnh những tác động của dịch bệnh COVID-19, hạn chế tới mức thấp nhất việc cắt giảm lao động.

Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm, thiếu việc làm do dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người lao động ủng hộ, chia sẻ với phương án, quyết định của người sử dụng lao động.

Lập các nhóm Zalo, xây dựng lực lượng “Công nhân nòng cốt” ở doanh nghiệp có đông công nhân, các  Khu công nghiệp và chế xuất để nắm bắt thường xuyên, kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động và quan hệ lao động.

Về vấn đề chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, thực hiện tiếp tục rà soát, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 theo quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam; hướng dẫn số 10/HD-LĐLĐ ngày 27/5/2021,văn bản số 353/LĐLĐ ngày 17/6/2021 của LĐLĐ Thành phố, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

Các cấp Công đoàn ưu tiên nguồn lực tài chính công đoàn để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Trước tiên các đối tượng là đoàn viên công đoàn, người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp có công đoàn cơ sở và doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, nhưng đã thực hiện đóng kinh phí công đoàn.

Thiện Tâm

Top