Phân công rõ trách nhiệm trong quản lý lễ hội năm 2018

15/02/2018 8:12 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với không khí vào Xuân cũng là lúc nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội tất bật chuẩn bị cho mùa lễ hội. Năm nay TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng để chủ động được tình hình, chuẩn bị tốt nhất cho các lễ hội Xuân 2018.

Hội Gò Đống Đa năm 2017. Ảnh: Gia Huy

Hơn 1.200 lễ hội quy mô lớn, nhỏ

Hà Nội hiện có 1.206 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa Xuân. Trong đó, nhiều lễ hội có quy mô hội vùng như: Hội Gò Đống Đa, Hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, Hội đền Hai Bà Trung, Hội Chùa Hương, Hội Chùa Thầy gắn với huyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa Tây Phương, hội đền Và thờ Đức Thánh Tản Viên… đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa sâu sắc.

Theo ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hầu hết các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi giàu tính nghệ thuật đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội.

Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đều được Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hóa, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hóa... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trườg văn hóa lành mạnh, động viên, khuyến khích nhân dân giữ gìn, phát huy các giá trị danh hiệu văn hóa, danh hiệu làng nghề truyền thống. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực trong đoàn kết cộng đồng, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Cũng theo ông Trần Quốc Chiêm, tổ chức lễ hội văn minh, an toàn không chỉ là trách nhiệm của các địa phương diễn ra lễ hội hay của cơ quan quản lý văn hóa mà từ nhiều năm nay, quản lý lễ hội nhận được sự quan tâm của các cấp từ Thành phố đến cơ sở. Năm nay, Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị, phân công trách nhiệm rõ ràng từ cấp Thành phố đến các sở, ngành và địa phương đều xây dựng kế hoạch đồng thời tổ chức họp bàn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Ở địa phương, các quận, huyện, thị xã đều quan tâm chỉ đạo việc tổ chức lễ hội trên địa bàn, có văn bản hướng dẫn thực hiện. Ban Tổ chức các lễ hội được thành lập gồm: Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, đại diện Ủy ban MTTQ và các ban, ngành đoàn thể, đại diện cấp uỷ, chính quyền thôn, người trụ trì nơi thờ tự là thành viên. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày Sở Văn hóa và Thể thao đều hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã chỉ đạo trực tiểp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.

Ngay từ đầu tháng 1/2018, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã có văn bản gửi lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn Thành phố theo dõi diễn biến trong các lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Chia sẻ về giải pháp tổ chức, quản lý lễ hội-du lịch chùa Hương năm 2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra và các tiểu ban để tham gia tổ chức, quản lý lễ hội. Công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; kế hoạch phân luồng giao thông; phương án giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm giao thông thuận tiện, chủ động triển khai nhiệm vụ chuyên ngành; chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện… đã được huyện lên kế hoạch rõ ràng, phân công cho các đơn vị thực hiện.

Ban quản lý lễ hội chùa Hương cũng đã bố trí lực lượng quản lý thường xuyên chấn chỉnh hàng quán bảo đảm thông thoáng, không ảnh hưởng giao thông và cảnh quan. Cụ thể theo ông Nguyễn Văn Hậu là không để các hộ dân bán chiếm lòng đường từ khu vực ga cáp treo số 3 đến cổng động Hương Tích và lòng đường cầu đường bộ lối ra, không để tình trạng nướng thực phẩm gây khói ảnh hưởng cảnh quan, ô nhiễm môi trường không bảo đảm an toàn thực phẩm như những mùa lễ hội trước.

Đối với lễ hội đền Sóc, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã lên kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi về dự lễ hội, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường; bảo đảm khu vực lễ hội sạch, không để xả rác thải bừa bải, đặt thùng rác lưu động, lắp thêm nhà vệ sinh công cộng… Một trong những điểm được quan tâm của lễ hội đền Sóc mọi năm là hiện tượng tranh cướp lộc, theo ông Lê Hữu Mạnh, năm nay với hình thức “tất lộc” mới, sẽ khó có thể xảy ra tình trạng tranh cướp lộc bởi sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng sẽ lập tức đưa vào hậu cung làm lễ. Sau đó, Ban tổ chức sẽ tiến hành “tất lộc” ở đền Thượng, khi công chúng vào lễ thì xin lộc.

Năm 2018, ngành Văn hóa và Thể thao đã đặt ra mục tiêu không tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đỉch thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chính vì vậy, Thành phố đã quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội do cơ quan, tổ chức lễ hội mời; được giao thực thi nhiệm vụ).

Thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện xử lý kịp thời các sai phạm, bgăn chặn những biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong mùa lễ hội Xuân 2018.

Gia Huy

Top