Phấn đấu thêm 4 huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm

02/04/2024 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì) đã hoàn thành hồ sơ và đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ sẽ về đích huyện nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Phấn đấu thêm 4 huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị giao ban - Ảnh: VGP

Sáng 2/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII tổ chức  kết quả thực hiện trong quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2024.

Về huyện nông thôn mới (NTM), đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM. Phấn đấu trong tháng 5/2024, có 4 huyện đạt chuẩn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 172 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025) và 65 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (còn thiếu 15 xã so với mục tiêu Chương trình 04 đến năm 2025).

Năm 2024, các huyện, thị xã đăng ký công nhận 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng thêm 6 xã so kế hoạch Thành phố giao và 39 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng thêm 4 xã so kế hoạch TP giao). Đối với chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu, Hà Nội còn thiếu 12 xã để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 04, đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2021 đến quý I/2024 là trên 75.755 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2024, ngân sách Thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng chính sách 800 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 đến nay đã đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (đạt 82,9%), còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm. Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước 1 năm. Lũy kế từ 2019 đến nay, TP Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm).

Về phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn, hết năm 2023, Hà Nội có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề và 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 Cụm Công nghiệp và nâng tổng số Cụm Công nghiệp đã được động thổ, khởi công lên 24/43 Cụm Công nghiệp.

Về nâng cao đời sống nông dân, tính chung quý I/2024, toàn TP giải quyết việc làm cho hơn 45,6 nghìn lao động (đạt 27,6% kế hoạch năm) và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,06%, trong đó có 6 huyện không còn hộ nghèo (Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì). 

Phát biểu kết luận hội nghị, về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, đối với vấn đề huyện NTM nâng cao hiện nay chia thành 3 nhóm (nhóm huyện khó khăn, huyện đang bứt phá và nhóm huyện đã đăng ký xây dựng NTM nâng cao). 

Hiện nay, Hà Nội có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì) đã hoàn thành hồ sơ và đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ sẽ về đích huyện NTM nâng cao trong năm nay. Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở NN&PTNT cố gắng hoàn thiện các hồ sơ của 4 huyện này để báo cáo Trung ương.

Đối với 46 xã đăng ký thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT phối hợp với các ban HĐND TP rà soát lại để đề ra các biện pháp thúc đẩy quá trình thực hiện.

Đối với nhóm huyện đang vươn lên xây dựng huyện NTM nâng cao, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các huyện tập trung rà soát và cố gắng hoàn thiện ở cấp xã; đối với những vấn đề liên quan tiêu chí cấp huyện thì cần phối hợp với các cơ quan của TP để sớm hoàn thiện để trình Hội đồng thẩm định.

Đối với vấn đề mỗi xã một sản phẩm OCOP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, đối với những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các huyện cần rà soát lại để cùng các sở liên quan tập trung triển khai trong quý II/2024.

Gia Huy

Top