Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến

12/01/2017 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Các di tích cách mạng kháng chiến được gắn biển trên địa bàn Hà Nội đã và đang phục vụ tốt cho công tác giáo dục truyền thống địa phương, nhiều nơi còn là địa điểm du lịch, quảng bá hình ảnh con người và cuộc sống Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm quan nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hòa An

Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau 10 năm thực hiện chỉ thị 03 của Thành ủy Hà Nội về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội” nhiều điểm di tích đã được tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với truyền thống dựng nước và giữ nước từ lâu đời, trên địa bàn Hà Nội có trên 5.900 di tích lịch sử-văn hóa (trong tổng số hơn 40 nghìn di tích của cả nước). Các di tích lịch sử-văn hóa của Hà Nội rất đa dạng, phong phú, là nơi ghi dấu và phản ánh những chiến công hiển hách chống ngoại xâm, những sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhiều điểm di tích còn ghi dấu về tội ác của kẻ thù xâm lược như: Nhà tù Hỏa Lò, nhà Rượu Gia Lâm, Đài tưởng niệm Khâm Thiên…

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 300 di tích và địa điểm di tích cách mạng kháng chiến (trong đó có 50 địa điểm đã đưa vào danh mục di tích) và gần 250 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những địa điểm này đã trở thành những “địa chỉ đỏ” gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, những chiến tích oai hùng của quân và dân Hà Nội.

Riêng trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di tích và địa điểm di tích cách mạng kháng chiến với những địa danh ghi đậm những dấu mốc mang tính điển hình cho lịch sử hiện đại, đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào cách mạng Việt Nam như: Di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); nơi Bác về ở và làm việc tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai)…

Từ năm 2006-2016, Hà Nội chi trên 28 tỷ đồng cho các nội dung: Lập hồ sơ khảo sát 147 điểm lưu niệm lịch sử cách mạng kháng chiến; gắn 148 biển di tích, địa điểm lưu niệm cách mạng kháng chiến; tu bổ, tôn tạo 31 di tích; trưng bày 14 di tích… Các di tích cách mạng kháng chiến thực sự là những sử liệu có giá trị trực quan sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào về dân tộc.

Theo ông Trương Minh Tiến, hầu hết các di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kiểm kê, nhiều di tích đã được lập hồ sơ công nhận và gắn biển. Một số di tích đã đáp ứng được yêu cầu tham quan, học tập của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh niên và học sinh. Nhiều điểm di tích đã sưu tầm, biên soạn lời giới thiệu, tập bài giảng lịch sử đảng bộ các địa phương cho các em học sinh, giành thời gian đưa các em đi tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại các điểm di tích để trực tiếp giáo dục truyền thống cách mạng.

Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn, từ đó có kế hoạch, biện pháp bảo vệ, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ quản làm tốt công tác sưu tầm tài liệu, củng cố kiện toàn hồ sơ khoa học phục vụ công tác quản lý, đề nghị xếp hạng, gắn biển cho các di tích có đủ điều kiện; với di tích đã xếp hạng kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây, sửa không phép, sai phép, vi phạm lấn chiếm, phá hoại khuôn viên di tích.

Ông Trương Minh Tiến cũng cho biết, việc tuyên truyền về các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến đã làm cho người dân hiểu rõ hơn giá trị lịch sử của di tích; nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ, tôn tạo các công trình kiến trúc, di tích lịch sử cách mạng, hạn chế xâm phạm di tích. Qua đó, huy động được nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, sưu tầm tư liệu, hiện vật hoặc hiến hiện vật cho nhà nước.

Cần sự đầu tư hiệu quả hơn

Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến, công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng triển khai còn thiếu hiệu quả; việc phân loại và phân cấp quản lý, đầu tư tu bổ cũng như khai thác còn chưa cụ thể.

Đặc biệt, giữa các ngành văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, du lịch, xây dựng… chưa tạo lập được sự thống nhất về phương pháp định giá trị di tích, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Một số điểm di tích lịch sử cách mạng kháng chiến không có khu vực bảo vệ và bị vây chặt bởi nhà dân hoặc các công trình công cộng khác.

Việc hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến các địa điểm này cũng còn hạn chế do các tài liệu, hiện vật trưng bày tại các nhà lưu niệm, điểm di tích cách mạng vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú, bài bản như các bảo tảng. Nhiều đoàn khách đếm tham quan chủ yếu ở các dịp kỷ niệm và còn mang tính chất hình thức.

Chính vì vậy, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục lập và thực hiện kế hoạch kiểm kê, phân loại các di tích, địa điểm cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội; phối hợp với các địa phương tổ chức sưu tầm tư liệu, tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu tại các địa phương.

Ngành văn hóa sẽ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh tại các điểm di tích cách mạng kháng chiến nhằm có thêm những hiểu biết sâu sắc về di tích lịch sử để chuyển tải đến người nghe, người tham quan các di tích. Kết hợp với ngành giáo dục phát động các cuộc thi tìm hiểu để tăng thêm tính giáo dục và tính thu hút. Kết hợp với ngành du lịch quan tâm đến điểm đến là các di tích lịch sử-văn hóa và di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu, đưa vào tuyến tham quan các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn, xây dựng tuyến tham quan theo chuyên đề.

Hòa An

Top