Phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

19/11/2019 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết 06, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

Du khách chiêm ngưỡng những di vật khảo cổ được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long

Đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị các di sản đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật có một số sự kiện thường niên, gắn với khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, như: Hội sách Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa...

Trung tâm cũng chủ động phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh để kết nối du lịch trong khu trung tâm chính trị Ba Đình; triển khai phối hợp với các công ty du lịch để xây dựng Đề án phát triển du lịch Hoàng Thành Thăng Long, đưa nơi đây thành một điểm đến trong hành trình khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội...

Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trong các trường học trên địa bàn. Trong năm học 2018-2019, đã có trên 19 nghìn học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản.

Từ những kết quả trên, Trung tâm đã tăng 30% nguồn thu và lượng du khách. Năm 2016, lượng khách đến Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là gần 400 nghìn lượt; đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt và ước đến năm 2020 sẽ đạt 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2016 đạt 6,23 tỷ đồng; ước cả năm 2019 đạt trên 12 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu đạt chỉ tiêu, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, nhất là tại Khu di tích Cổ Loa; việc triển khai một số đề án, dự án trọng tâm của Trung tâm còn chậm; hạ tầng, cơ sở vật chất, cảnh quan chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; chưa có nhiều di chỉ, hiện vật khảo cổ... nên chưa có tính hấp dẫn về du lịch.

Về những vấn đề nêu trên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, Trung tâm cần xác định đang quản lý một di sản của thế giới để từ đó có thay đổi về nhận thức và tiếp cận mới, đó là lấy khách du lịch làm trung tâm; không chỉ nhiều hiện vật, nhiều công trình là thu hút được khách du lịch, mà cần đi sâu phân tích về nhu cầu của du khách. Đặc biệt, Trung tâm cần quan tâm hơn hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục di sản... để khách tham quan đến với các di tích của Trung tâm không chỉ có vui chơi, dã ngoại. Quan trọng hơn, Trung tâm cần tập trung cho hoạt động nghiên cứu, liên kết chặt chẽ với Bảo tàng Hà Nội để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Vĩnh Hoàng

Top