Phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế

05/11/2015 4:33 PM

(Chinhphu.vn) - Là một đô thị lớn với hơn 7,3 triệu dân (8% cả nước), có hạ tầng kinh tế - xã hội khá phát triển, Hà Nội đang đi đầu trong việc thu hút đầu tư, trao đổi thương mại và thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

 

Ảnh minh họa

Nơi tập trung các đầu mối giao thương

 

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Hà Nội là nơi tập trung các đầu mối giao thương và phân luồng hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường đầu tư, thương mại và là trung tâm của các hoạt động thanh toán của các địa phương trong Vùng, là nơi lưu trú, đầu mối tổ chức các tuyến, tour du lịch trong Vùng và cả nước.

Hà Nội là một đô thị đang phát triển, có sức mua tương đối lớn và ngày càng tăng. Đây là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nhằm khai thác thị trường này. Hà Nội luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế trong Vùng: Vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội lũy kế đến nay đạt trên 22 tỷ USD (9% của cả nước) - luôn duy trì vị trí đứng đầu trong Vùng và vị trí thứ ba của cả nước.

Với diện tích chiếm 15,8%, dân số gần 35% nhưng Hà Nội đóng góp tới 50% thu ngân sách và khoảng 40% tổng sản phẩm trên địa bàn toàn Vùng. Đồng thời, Hà Nội đóng góp khoảng 10% giá trị sản xuất công nghiệp, gần 8% tổng mức bán lẻ, 16,5% thu ngân sách và trên 13% GDP của cả nước.

Không những vậy, Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nhiều cán bộ khoa học và quản lý có bằng cấp cao, tiềm lực khoa học kỹ thuật lớn mạnh nhất trong cả nước. Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học đang sinh sống và làm việc chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước...

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH

Mặc dù, Hà Nội có sức hút và lan tỏa phát triển, có tác động trực tiếp tới quá trình phát triển của cả Vùng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, hợp tác phát triển kinh tế vùng trong một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, sức lan tỏa chưa mạnh, vai trò điều phối kinh tế Vùng chưa được thể hiện rõ nét.

Do đó, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng và cả nước trên tinh thần hiệu quả, cùng có lợi, tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Trong đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục duy trì đầu tàu kinh tế của Vùng và cả nước. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đề ra từ 8,5-9,0%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu; phát triển dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế; thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, xác định lại và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn giai đoạn 2016-2020...

Ngoài ra, cần thực hiện tốt các quy hoạch phát triển Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường các hoạt động điều phối phát triển Vùng, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả Vùng.

Tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương trong các hoạt động kinh tế - xã hội trong Vùng. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành Trung ương triển khai các dự án đầu tư có tính chất liên vùng, liên tỉnh ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung thông báo hợp tác, hỗ trợ các địa phương đã được Hà Nội cam kết.

Song song với việc đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, tiếp tục chú trọng phát triển hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội như: hoạt động đào tạo lao động, nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân; y tế dự phòng; đảm bảo an toàn giao thông; quản lý lao động và dân cư; phòng chống tệ nạn; giữ gìn an ninh - trật tự xã hội.

Diệu Anh

Top