Phát triển 23 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi

16/09/2019 5:46 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa rà soát kết quả phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ năm 2014 đến nay.

Ảnh minh họa

Kết quả rà soát cho thấy, Hà Nội đã địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất của cả nước. Toàn Thành phố có đàn trâu là 23.500 con với sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 1.650 tấn; đàn bò 136.000 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10.660 tấn; đàn lợn 1.771.900 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 327.367 tấn; đàn gia cầm 31,5 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi là 96.786 tấn.

Để nâng cao giá trị gia tăng ngành chăn nuôi, thời gian qua, Thành phố tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 2015, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định triển khai dự án chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, trên cơ sở 11 mô hình chuỗi thực hiện theo dự án, đến nay, đã xây dựng, phát triển được 23 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình chuỗi khép kín lấy Doanh nghiệp làm trọng tâm, chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả, như: Chuỗi thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long; chuỗi thực phẩm Tiên Viên của Công ty cổ phần Tiên Viên; chuỗi trứng gà 729 của Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An...

Về mô hình chuỗi liên kết, hướng phát triển trên địa bàn thành phố là lấy các tổ chức nông dân (Chi hội/hợp tác xã/hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của thành phố làm trọng tâm, từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có liên kết các tác nhân từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hoạt động có hiệu quả, như: Chuỗi gà Mía Sơn Tây của Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; chuỗi gà đồi Sóc Sơn của Hội chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn; chuỗi gà đồi Ba Vì của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì; chuỗi thực phẩm Vinh Anh (VAF), chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội (SHF)...

Đến nay, cơ bản các chuỗi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đã có 7 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 4 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể (Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn và vịt Vân Đình). Việc phát triển nhãn hiệu có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu, đồng thời đây cũng là cơ hội để người dân địa phương nâng cao giá trị kinh tế.

Nguyên Phương

Top