Phát triển dược liệu: cần có kế hoạch và khoanh vùng cụ thể

12/04/2017 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù, trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dược liệu nhưng đến nay, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, việc nuôi trồng và phát triển dược liệu vẫn chưa có quy hoạch và định hướng phát triển. Vì vậy việc đưa ra giải pháp cho phát triển dược liệu là vô cùng cần thiết.

Ảnh minh họa

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, diễn ra ngày 12/4.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thực hiện Quyết định số 1976/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;  Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành Thông tri về lãnh đạo phát triển ngành Đông Y và Hội Đông Y thành phố Hà Nội trong tình hình mới; Kế hoạch về việc phát triển y dược cổ truyền thành phố Hà Nội đến năm 2020; Kế hoạch phát triển y dược cổ truyền thành phố Hà Nội…

Hiện nay, Hà Nội có 2 bệnh viện chuyên khoa Y học cổ truyền công lập, 1 bệnh viện Y học cổ truyền tư nhân Âu Việt, 30 bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, với tổng số hơn 1 nghìn giường bệnh, chiếm 8,54% tổng số giường Hà Nội và 604 phòng chẩn trị Y học cổ truyền. Theo thống kê năm 2016, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh Y học cổ truyền có hơn 856,4 nghìn lượt, (chiếm 13,57% tổng số khám ngành y tế); điều trị nội trú có hơn 21,5 nghìn lượt điều trị, (chiếm 5,75% tổng số lượt điều trị nội trú ngành y tế).

Để phát triển nguồn dược liệu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, Hà Nội đã có 3 dự án nuôi trồng, sản xuất nguồn dược liệu tập trung. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khảo sát để tham mưu thành phố quy hoạch phát triển vùng dược liệu tại huyện Sóc Sơn và huyện Ba Vì.

Về kinh doanh dược liệu hiện có 8 cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu dược liệu, hàng năm tiêu thụ khoảng 3.500-4.000 tấn dược liệu từ tất cả các nơi. Cùng đó có 55 cơ sở buôn bán dược liệu với quy mô cung cấp cho thị trường khoảng 850.000-900.000 tấn dược liệu hàng năm, thu mua dược liệu từ Trung Quốc và các tỉnh, chủ yếu là thuốc bắc, thuốc nam hạn chế. Trong đó, có hai khu vực tập trung nhiều hộ kinh doanh dược liệu: Xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm và Phố Lãn Ông quận Hoàn Kiếm (Xã Ninh Hiệp có 32 cơ sở kinh doanh có phép, Phố Lãn Ông có 15 cơ sở kinh doanh có phép).

Hiện nay, công tác kiểm tra nguồn gốc dược liệu trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hàng năm Thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tiến hành kiểm tra thường xuyên. Hàng năm, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ dược liệu. Đoàn đã tổ chức kiểm tra các đơn vị có sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền để khám, chữa bệnh.  Qua kiểm tra các cơ sở y tế khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền (YHCT), có khoảng 8%-10% mẫu dược liệu qua kiểm tra không đạt yêu cầu, chủ yếu do độ ẩm, điều kiện bảo quản không đạt, dược liệu có nhiều tạp chất…

Trong năm 2015-2016, đã thanh, kiểm tra 35 cơ sở bán buôn, bán lẻ dược liệu, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh, với số tiền trên 270 triệu đồng. Sai phạm chủ yếu ở các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, không đạt tiêu chí về độ ẩm, sổ sách ghi chép không đầy đủ.

Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra đã xử lý 15 vụ, tịch thu khoảng 6 tấn dược liệu không đảm bảo. Cũng trong thời gian này, Sở Y tế kiểm tra 27 cơ sở khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, xử phạt 18 cơ sở với số tiền trên 500 triệu đồng, chủ yếu sai phạm về cơ sở vật chất, nhân sự, quảng cáo.

Cần quy hoạch rõ ràng

Có thể thấy, mặc dù Hà Nội có tập trung cho nuôi trồng và phát triển dược liệu nhưng hiện nay vấn đề này còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế khi nguồn dược liệu chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng thuốc nam còn ít, khó kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, dược liệu có nguồn gốc từ Việt Nam chủ yếu do các cơ sở hộ nông dân thu hái và nuôi trồng, do vậy số lượng không đáp ứng đủ so với nhu cầu.

Việc nuôi trồng và phát triển dược liệu chủ yếu vẫn ở tình trạng tự phát, chưa có kế hoạch và khoanh vùng cụ thể cũng như chưa có chính sách ưu tiên cụ thể để khuyến khích phát triển dược liệu trong nước.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Ngô Văn Qúy cho rằng để nuôi trồng và phát triển dược liệu trên địa bàn Thành phố, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền về dược liệu thông qua quảng bá giới thiệu về những phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thuốc Y học cổ truyền, giới thiệu bài thuốc hay để chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm về nuôi trồng dược liệu và hiệu quả kinh tế của việc nuôi trồng dược liệu.

Điều tra, sưu tầm và quy hoạch phát triển dược liệu, phối hợp các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường điều tra phân tích về thổ nhưỡng để quy hoạch vùng phát triển về dược liệu; khảo sát sưu tầm và bảo tồn gien dược liệu quý hiếm.

Thành phố có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào nuôi trồng và phát triển dược liệu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Tập trung vào các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược liệu trên thị trường, chú trọng địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm và phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm.

Đồng thời thường xuyên đào tạo, tập huấn để bổ sung kiến thức về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt kiến thức về kiểm soát nguồn gốc chất lượng dược liệu của các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược liệu. Chú trọng nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc, vị thuốc dân tộc có giá trị cao trong khám, chữa bệnh (do Sở Y tế phối hợp với Hội Đông Y, Hội Châm cứu Thành phố thực hiện).

Theo Bộ Y tế, nước ta có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cùng với kinh nghiệm của cộng đồng các dân tộc trong việc hiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc. Với trên 5 nghìn loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa là một kho tàng quý báu để triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu, như: Quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả …Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, sắn…

Tú Mai

Top