Phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản gắn kết chuỗi giá trị

28/05/2019 5:34 PM

(Chinhphu.vn) – Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối. Qua đó, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ của người nông dân, hướng đến xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn.

Chợ đầu mối tạo ra không gian thương mại lớn hơn cho nông sản - Ảnh: An Khuê

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030” với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tại Việt Nam. Mục tiêu của đề án là: Xây dựng định hướng và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.

Đây là đề án có gắn bó mật thiết với thủ đô Hà Nội trong việc xây dựng mạng lưới phân phối nông sản trên địa bàn thành phố. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sửu, Phó CT UBND TP Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về nhu cầu cung ứng nông sản thực phẩm hiện nay trên địa bàn thủ đô?

Ông Nguyễn Văn Sửu: Với hơn 10 triệu người đang hàng ngày sinh hoạt và học tập, hằng năm lại đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch, vì vậy nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trung bình hàng năm của Hà Nội là rất lớn (khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54 nghìn tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau các loại…).

Phần lớn các loại nông sản thực phẩm tại Hà Nội được phân phối, tiêu thụ qua các chợ đầu mối nông sản (kiểu cũ), chợ dân sinh. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhập buôn từ các chợ đầu mối về kinh doanh tại các chợ dân sinh, chợ cóc… Số còn lại được phân phối theo hệ thống các siêu thị, các công ty, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích.

Vậy hiện nay việc phát triển chợ đầu mối và hệ thống phân phối nông sản trên địa bàn thủ đô đang được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sửu: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là Chợ đầu mối nông sản Minh Khai và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Phía Nam, bên cạnh đó còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long. Các chợ đầu mối vẫn đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối các mặt hàng nông sản thực phẩm của Thành phố.

Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố hiện có 124 siêu thị (trong đó 26 siêu thị hạng 1, 32 siêu thị hạng 2, 50 siêu thị hạng 3 và 16 siêu thị chưa phân hạng). Trong đó có 94/98 siêu thị kinh doanh tổng hợp có kinh doanh thực phẩm. Tỷ trọng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm rau củ quả, thịt cá, thực phẩm qua chế biến bao gói sẵn.... Về cửa hàng tiện ích hiện có khoảng trên 700 cơ sở kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm kinh doanh tổng hợp có quầy bán thịt, cá, rau, củ, quả. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích phát triển ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu mới chỉ xuất hiện tại các quận nội thành Hà Nội.

Vậy hệ thống phân phối nông sản đó đang có chất lượng thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sửu: Trong những năm qua cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì hệ thống các kênh phân phối nông sản thực phẩm đã thay đổi sâu sắc, kênh phân phối nông sản thực phẩm truyền thống qua các chợ đầu mối (kiểu cũ). Thực tế, chợ dân sinh đang giảm dần và gặp nhiều thách thức do hệ thống này tồn tại một số hạn chế về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, khả năng quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và hệ thống logistic chưa đồng bộ. Thay vào đó, kênh phân phối nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cửa hàng chuyên doanh nông sản thực phẩm có nhiều khởi sắc, do hệ thống kênh phân phối này có nhưng ưu điểm kiểm soát chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, nhưng hệ thống này cũng có những mặt còn hạn chế như chưa tập kết được số lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hệ thống logistic còn riêng lẻ và chưa thực sự đồng bộ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị hầu hết đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); việc kiểm soát chất lượng VSATTP trong các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng chặt chẽ hơn cả ở phía doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, mặt hàng cũng đa dạng, phong phú về chủng loại. Hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, có tem nhãn, bao bì chiếm trên 90%.

Hiện Thành phố có những chính sách gì để quy hoạch mạng lưới phân phối nông sản này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sửu: UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; theo đó trên địa Thành phố sẽ có 08 chợ đầu mối; trong đó đã có 02 chợ đầu mối Minh khai và chợ đầu mối phía Nam đang hoạt động và dự kiến phát triển thêm 06 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng, diện tích từ 20-30ha/chợ.

Với thực trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm như hiện nay và việc quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối nông sản sẵn có trên địa bàn thành phố, thì việc phát triển các Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là phù hợp và yêu cầu cấp bách nhằm kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao hơn, nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

An Khuê (thực hiện)

Top