Phát triển khu, cụm công nghiệp 'xanh' để ‘hút’ đầu tư

11/01/2024 3:39 PM

(Chinhphu.vn) - Các khu công nghiệp Hà Nội đã và đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh… để góp phần thu hút đầu tư.

Phát triển khu, cụm công nghiệp 'xanh' để ‘hút’ đầu tư- Ảnh 1.

Phát triển các cụm công nghiệp "xanh" góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Dần hình thành các cụm công nghiệp "xanh"

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là trên 1.680 ha, thu hút được khoảng trên 3.860 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Nằm trên địa bàn xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Cụm công nghiệp Phương Trung có quy mô 9,55 hecta. Với vị trí thuận lợi, tiếp giáp với quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km về phía Nam; cách sân bay Nội Bài 50km; cách cảng Hải Phòng 150k; cách đường trục kinh tế phía Nam khoảng 10km về phía Đông (tương lai gần, đường Phạm Hùng kéo dài qua Dự án đã phê duyệt quy hoạch được thi công sẽ rút ngắn khoảng cách từ dự án đến trục kinh tế phía Nam còn 3.5 km giúp kết nối giao thông đi lại vô cùng thuận lợi).

Có thể thấy, cụm công nghiệp Phương Trung đang có lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng đồng bộ, có sự liên kết giao thông thuận lợi với đường vành đai 4 kết nối các tỉnh phía Bắc (Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng), đường trục kinh tế phía Nam thành phố kết nối các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình... trở vào phía trong.

Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng Liên Việt- Chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Phương Trung cho biết, là một trong những dự án cụm công nghiệp có quy mô vừa dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cụm công nghiệp Phương Trung được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thi công hạ tầng, nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy, Giấy phép môi trường sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư vào thuê cần diện tích vừa và nhỏ quanh Hà Nội từ tháng 11/2023.

Hiện nay, tại cụm công nghiệp Phương Trung, hệ thống nguồn điện 3 pha được cung cấp liên tục và ổn định, mạng lưới điện hạ áp được chạy dọc theo các đường giao thông nội bộ trong cụm công nghiệp và chờ đấu nối tới từng lô đất, doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ lưới điện hạ áp này thông qua điện lực Thanh Oai.

Cùng với đó, nhà máy xử lý nước thải công suất 310 m3/ngày/đêm tại cụm công nghiệp được xây dựng hiện đại kết nối online với Sở Tài Nguyên và Môi Trường đáp ứng tất cả các yêu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.

Đồng thời, chất thải rắn từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Phương Trung sẽ được phân loại, thu gom vận chuyển về bãi tập kết của cụm công nghiệp, sau đó vận chuyển đến các cơ sở tái chế để xử lý…

Có thể khẳng định, sau khi đi vào hoạt động Cụm công nghiệp Phương Trung sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới.

Luôn ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những Thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế bảo đảm cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện.

Để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, thời gian qua UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển xanh, sản xuất sạch trong đó, hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp xanh là một trong những giải pháp quan trọng của Hà Nội.

Hà Nội được biết đến là trung tâm văn hóa chính trị xã hội của cả nước, là trung tâm giao lưu kinh tế, nơi tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế nước ta. Định hướng tăng trưởng xanh, công nghiệp sạch đã được Sở Công Thương triển khai trong nhiều năm qua thông qua các chương trình như: Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030..

Với định hướng trên, Hà Nội đã dần thu hút nhiều dự án mới phát triển theo hướng xanh, sạch, trong đó phải kể đến cụm công nghiệp Phương Trung thuộc huyện Thanh Oai - là một trong những cụm công nghiệp mới của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được Thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5-9,0% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.

"Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Diệu Anh

Top