Phát triển kinh tế tri thức đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH

07/09/2017 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Để đáp ứng nhiệm vụ đẩy mạnh CNH-HĐH Thủ đô trong giai đoạn tới, TP. Hà Nội đã xác định các giải pháp thực hiện, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực có trình độ, chất lượng cao gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mở rộng dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Còn nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn CNH-HĐH

Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) Thủ đô đến năm 2020 và những năm tiếp theo, TP. Hà Nội đã đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ CNH-HĐH, phấn đấu cùng cả nước sớm hoàn thành cơ bản những mục tiêu, chỉ tiêu CNH-HĐH. Phát triển kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh và bền vững làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trong giai đoạn 2010-2016, Hà Nội đã xác định đi đầu, tiên phong trong đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong số 21 chỉ tiêu mức hoàn thành CNH-HĐH Thủ đô, đến năm 2016, Hà Nội đã hoàn thành 7 chỉ tiêu, cụ thể là: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tỷ lệ đô thị hóa; chỉ số phát triển con người; tuổi thọ bình quân; số bác sỹ trên 10 nghìn dân; sử dụng Internet/dân số.

Đến năm 2016, Hà Nội còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt được theo tiêu chí CNH-HĐN như: GRDP bình quân đầu người theo giá thực tế mới đạt 3.860 USD (theo chuẩn CNH-HĐH là trên 5 nghìn USD); giá trị sản phẩm công nghệ cao trong GRDP mới đạt 40% (chuẩn là trên 70%); số lao động được đào tạo nghề đạt 39% (chuẩn là 55%); diện tích nhà ở đô thị đạt 26,6 m2/đầu người (chuẩn là trên 29 m2/đầu người); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 19% (chuẩn là 60%); sử dụng nước sạch mới đạt 68,6% (chuẩn là 100%); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2016 đạt 20,4% (chuẩn là 100%)…

Chính vì vậy, trong hệ thống 21 chỉ tiêu về CNH-HĐH, TP. Hà Nội đã xác định cần sự quan tâm và chỉ đạo tích cực của Thành phố mới cỏ khả năng hoàn thành đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, đó là: Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; Tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra là một số chỉ tiêu liên quan đến đánh giá mức độ CNH-HĐH cần tập trung thực hiện như: Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP hàng năm; GRDP bình quân đầu người; năng suất lao động; giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng GRDP; tốc độ tăng xuất khẩu; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cho CNH-HĐN

 

 

Để đẩy mạnh CNH-HĐH, TP. Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ thực hiện các giải pháp đồng bộ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực trình độ, chất lượng cao gắn với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các khu, cụm công nghiệp tập trung theo quy hoạch.

Thành phố hiện đang tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành và sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao (công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm...). Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, điện tử; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất-kinh doanh, mở rộng, đẩy mạnh nâng cao hợp tác và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu công nghệ cao, các ngành lĩnh vực dịch vụ trình độ, chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái, kỹ thuật, công nghệ cao.

Trong tiến trình CNH-HĐH, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, phát triển theo quy hoạch, gắn kết hợp lý giữa nông nghiệp với công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và đô thị. Bảo đảm nông thôn phát triển ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ. Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp đô thị sinh thái.

Hà Nội cũng đặt giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả quản lỷ nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền các cấp trong tiến trình CNH-HĐH Thủ đô. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: Số hóa đồng bộ cợ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức...). Hoàn thành hệ thống Một cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2017 trên 35% (trong đó tối thiểu 55% thủ tục hành chính của Thành phố được cung cấp mức độ 3,4) và đến năm 2020 là 70-80%. Tiếp tục phát triển nhanh thương mại điện tử, thuế, hải quan điện tử; triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử, quan trắc môi trường điện tử…

Gia Huy

Top