Phát triển kinh tế từ sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao

21/11/2018 12:15 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển giống cây trồng chất lượng cao và sản xuất hàng hóa nông sản an toàn bền vững không chỉ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết, việc thực hiện công tác khảo nghiệm, sản xuất, duy trì giống gốc cho thành phố là một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm. Chính vì vậy, trong những năm qua, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm trên 70 lượt giống cây trồng mới hàng năm gồm: Lúa, đậu tương, lạc, khoai tây, hoa, cây ăn quả… Kết quả đã đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội bổ sung 40 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với tập quán canh tác và sinh thái của Hà Nội vào cơ cấu giống cây trồng của thành phố. Trong đó, cây lúa gồm các giống TH3-3, DDB5, DDB6, Bắc thơm kháng bạc lá, Nàng xuân…; cây đậu tương gồm giống DT96, DT 2008…; cây lạc gồm MD9, L23, TK10…

Đồng thời sản xuất được trên 200 tấn lúa cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng gồm các giống Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, nếp BM9603; 4,8 tấn đậu tương DT 84 cấp siêu nguyên chủng và hơn 2,8 nghìn tấn đậu tương DT84 cấp xác nhận; trên 50 tấn lạc L14 cấp siêu nguyên chủng và xác nhận.

Đã phục tráng được nhiều giống cây trồng đang thoái hóa trong quá trình sản xuất như các giống lúa, lạc, đậu tương, khoai lang để đảm bảo có được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt phục vụ sản xuất trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt đã xây dựng được nhiều mô hình thực nghiệm sản xuất giống cây trồng tiêu biểu như: Mô hình thực nghiệm sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng, thực nghiệm sản xuất rau trái vụ, nấm… Các mô hình này là nơi thăm quan, học tập để áp dụng vào thực tiễn sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Trung tâm đã xây dựng và hoàn thiện nhiều hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh một số loại cây trồng chính có giá trị kinh tế cao như Bắc thơm số 7, Nếp cái hoa vàng, nhãn chín muộn, hoa lily giống Sorbonne…

Trong những năm qua, Trung tâm đã xây dựng được 157 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành Hà Nội, quy mô hơn 24,4 nghìn ha. Phát triển trồng mới được 631 ha cây ăn quả gồm bưởi, cam canh, nhãn, chuối và 182 ha chè; phát triển chăm sóc thâm canh được 921ha cây ăn quả, 510 ha chè an toàn. Đưa cơ giới vào sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến cho 100 ha chè tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ.

Mang lại giá trị kinh tế cao

Đặc biệt trong 3 năm 2013-2016, Trung tâm Phát triển cây trồng đã xây dựng được các mô hình điểm sản xuất nông sản theo VietGAP với tổng diện tích 264 ha lúa chất lượng cao, 80 ha cây ăn quả. Trong đó, hiệu quả kinh tế sản xuất chất lượng cao cao hơn so với sản xuất lúa Khang dân 18 là 8,9 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt sản xuất giống lúa nếp cái Hoa vàng có mức thu nhập tăng hơn so với lúa thường từ 40-45 triệu đồng/ha/vụ.

Năng suất trung bình cây ăn quả đạt 18,8 tấn/ha/năm, tăng hơn so với năm 2010 là 3,78 tấn/ha/năm. Năng suất chè của hộ tăng lên từ 6,3 tấn/ha/năm trước đề án lên 7,8 tấn/ha năm 2015 và 8,27 tấn năm 2016. Theo kết quả báo cáo của Viện Khoa học phát triển nông thôn khảo sát từ các hộ nông dân, mỗi ha có thu nhập cao hơn chè thường 114 triệu, tình bình quân mỗi hộ được tăng thu nhập 35 triệu/năm do chè an toàn đưa lại. Đây là con số có ý nghĩa lớn với hộ dân tộc, hộ nghèo.

Từ hiệu quả các mô hình và thông qua các hình thức thông tin tuyên truyền, đến nay đã có rất nhiều hộ nông dân ở các vùng chè tự đầu tư mua giống mới về trồng thay thế các nương chè cũ kém hiệu quả. Nông dân tự chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên diện tích sản xuất chè an toàn được duy trì và diện tích cây ăn quả ngày một tăng qua các năm. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao không ngừng mở rộng.

Hiệu quả kinh tế các mô hình thâm canh cây ăn quả tăng từ 15%-20% so với năm 2010. Trong đó, hiệu quả kinh tế các mô hình thâm canh bưởi Diễn đạt 300 triệu đồng/ha/năm; cam canh đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, nhãn chín muộn đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm, chuối đạt 190 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời thực hiện hợp tác 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua các năm 2010-2018 đã mời các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để ứng trước cho các HTX tham gia mô hình nhằm chủ động được thời vụ. Tạo vùng nguyên liệu an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm kết hợp cùng doanh nghiệp, HTX trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời gắn kết cơ sở tiêu thụ sản phẩm qua việc dự các hội chợ của Bộ NN&PTNT, ngành, các tỉnh bạn và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Với những kết quả đạt được, theo bà Hoàng Thị Hòa, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ, nhân tài để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Trung tâm. Đồng thời chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý mới và tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả các chương trình, mô hình, dự án giai đoạn 2019-2020. Tập trung chỉ đạo sản xuất và công tác bảo quản, chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản chất lượng cao. Bên cạnh đó sẽ tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao về giống cây trồng để khảo nghiệm, thực nghiệm… các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cũng như giá trị cao phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sản xuất nông sản lúa chất lượng cao Hà Nội giai đoạn 2019-2020.

Thiện Tâm

Top