Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP

19/04/2024 1:32 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề, Hà Nội đang xây dựng, quy hoạch làng nghề, triển khai chương trình OCOP gắn với việc xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo làng nghề để phát triển du lịch làng nghề.

Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại thăm gian hàng OCOP tại chương trình công nhận làng nghề, sản phẩm OCOP. Ảnh: VGP/TT.

Khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân

Một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng là sản phẩm Chè kho Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã được nhiều người biết đến và ngày càng nổi tiếng. Trong nỗ lực để phát triển nghề truyền thống của địa phương, ông Kiều Minh Trọng, Phụ trách kỹ thuật, Công ty TNHH Webest cho biết: Công ty đã đầu tư nhà xưởng, chú trọng bao bì, mẫu mã và xây dựng thương hiệu Chè kho Bằng An để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Trong năm 2024, qua đánh giá của Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu "Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống" năm 2023-2024, Hà Nội có 15 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề được công nhận danh hiệu " Làng nghề Hà Nội", 11 làng được công nhận danh hiệu " Làng nghề truyền thống Hà Nội" thuộc các quận, huyện gồm: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Đợt này, huyện Phú Xuyên có 9 làng nghề được công nhận từ " Làng nghề" lên " Làng nghề truyền thống". Các làng nghề truyền thống này cũng đã thành lập được Hội làng nghề để hỗ trợ, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: Cùng với việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và chứng nhận sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đang nỗ lực hợp tác, xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế để đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao tiêu thụ tại các thị trường Tây Âu, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công, nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý và hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP, tuy nhiên, theo ông Đại, qua chỉ đạo vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như việc xét công nhận làng nghề tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cân đối nguồn kinh phí để xây dựng phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề đảm bảo hồ sơ, tiêu chí xét công nhận theo quy định, dẫn đến nhiều làng nghề đáp ứng các tiêu chí về số hộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh,… nhưng không đáp ứng tiêu chí về môi trường. 

Bên cạnh đó, một số sản phẩm OCOP tham gia dự thi chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ do thiếu kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với hàng thủ công mỹ nghệ… Bao bì vẫn còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng, đặc biệt câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất và mong mỏi của công chúng tiêu dùng với sản phẩm đem lại cho họ. Chính vì vậy giá trị gia tăng của sản phẩm chưa được cao so với kỳ vọng…

Phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề

Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội phát triển gắn với OCOP mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất. Ảnh: VGP/TT.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Đại, để thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở, ngành Thành phố liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề gắn với triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.

Các đơn vị có liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước, của Thành phố về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động. Thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn Thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề. Hướng dẫn các địa phương rà soát xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu "làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống" Hà Nội, góp phần đưa Chương trình 04 của Thành ủy về đích trước một năm, với mục tiêu năm 2024 tham mưu Thành phố công nhận danh hiệu "làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống" Hà Nội cho 26 làng nghề. Đặc biệt là quan tâm đến việc xây dựng phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề.

Các quận, huyện, thị xã cần rà soát, đánh giá, hỗ trợ để trình Thành phố công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định; quy hoạch để đưa các hộ sản xuất ra cụm công nghiệp làng nghề, góp phần bảo vệ môi trường làng nghề ngày càng bền vững, gắn việc bảo tồn và phát triển làng nghề đi đôi với phát triển du lịch ở địa phương.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng liên kết phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi; đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện. Về sản phẩm OCOP, tính đến hết năm 2023, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.473 sản phẩm 4 sao; 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu cả nước trong phát triển chương trình OCOP.

Thiện Tâm

Top