Phát triển nhãn chín muộn bền vững từ tăng cường kết nối tiêu thụ

17/09/2020 10:48 AM

(Chinhphu.vn) - Nhãn chín muộn là một trong những cây ăn quả đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Đặc biệt là nhãn chín muộn tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai có vị thơm, ngọt sắc, hạt nhỏ, cùi dày được nhiều người ưa thích, mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định cả trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các doanh nghiệp thăm quan mô hình nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Thiện Tâm

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, cây nhãn là cây thứ ba trong bốn loại cây ăn quả chủ lực của Thành phố, với diện tích 1.980 ha, tăng 258 ha so với năm 2017, sản lượng thu hoạch ước đạt 21.600 tấn. Trong đó diện tích nhãn chín muộn (HTM1, HTM2) là hơn 650 ha, năng suất đạt 19-20 tấn, sản lượng 9.000-10.000 tấn. Giá bán bình quân các năm từ 25.000- 30.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm đạt 266 tỷ. Tiêng xã Đại Thành huyện Quốc Oai đạt 75,6 tỷ, sản phẩm phụ mật ong là 12 tỷ.

Giống nhãn chín muộn HTM1, HTM2 có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống từ 20/8 đến 25/9 hàng năm, đáp ứng yêu cầu rải vụ thu hoạch và tiêu thụ.Vùng trồng nhãn chín muộn tập trung chủ yếu tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức và Chương Mỹ.

Giống nhãn chín muộn HTM1 có nguồn gốc từ cây nhãn tổ trên 130 tuổi tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức năm 2011; giống nhãn chín muộn HTM2 có nguồn gốc từ cây nhãn tổ có gần 60 tuổi tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức năm 2016.

Sản lượng nhãn chín muộn hàng năm đạt khoảng 9.000-10.000 tấn. Hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi, qua sơ chế, đóng gói, nhãn mác (chiếm khoảng 10-15% sản phẩm). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức Hội nghị liên kết các tỉnh sản xuất phát triển, quảng bá và tiêu thụ đặc sản nhãn chín muộn tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức, đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích và xuất khẩu sang nước ngoài như: Malaysia, Mỹ, Ba Lan và Australia.

Nhãn chín muộn xã Đại Thành, huyện Quốc Oai có chất lượng quả thơm ngon, cùi dày, vỏ mỏng… là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, ông Lý Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, hiện nay toàn xã có 115 ha nhãn chín muộn, ước tính cho sản lượng đạt 2.500 tấn, doanh thu trên 50 tỷ đồng. Những năm qua, được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hỗ trợ thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn. Hạch toán kinh tế cho thấy, với năng suất bình quân 22 tạ/ha và giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta nhãn chín muộn cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2018 đã được xuất khẩu 17,5 tấn sang thị trường Mỹ. Năm 2020, nhãn chín muộn Đại Thành được mùa, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch kết nối các DN tiêu thụ theo chuỗi đối với sản phẩm nhãn chín muộn gồm: Công ty CP quốc tế BamBoo; Công ty AMeii Việt Nam; Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath và nông dân có đại diện ký kết hợp đồng là Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành để đưa sản phẩm nhãn chín muộn vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hòa, vướng mắc hiện nay là công nghệ bảo quản quả nhãn đã được nghiên cứu (bảo quản lạnh, xử lý lưu huỳnh, nano bạc) nhưng cần đầu tư ban đầu lớn và quy mô tập trung nên HTX, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức sản xuất còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Đa số các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, chuỗi giá trị còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái và chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh…

Vì vậy, để phát triển vùng nhãn chín muộn bền vững và ngày càng mở rộng, bà Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội cần phải quy hoạch vùng trồng tập trung để người dân đầu tư sản xuất, quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả. Đồng thời xây dựng các vùng nhãn tập trung, từ đó đưa lộ trình cấp mã vùng và quản lý vùng trồng. Tập trung chỉ đạo sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình an toàn, sản xuất VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.

Bên cạnh đó, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, dải vụ sản xuất; phòng trừ sâu bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu để tạo sự đồng đều, nâng cao chất lượng an toàn, mẫu mã quả nhãn chín muộn đáp ứng tiêu dung nội địa và xuất khẩu. Áp dụng các công nghệ mới, công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch nhất là công nghệ bảo quản của một số nước tiên tiến.

Thiện Tâm

Top