Phát triển nông sản gắn với thương hiệu OCOP

09/07/2020 1:23 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay huyện Đông Anh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, Huyện cũng thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững, hỗ trợ người sản xuất đăng ký thương hiệu và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Phát triển sản phẩm nông sản theo chuyên canh tập trung mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thiện Tâm.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ, xã Vân Nội cho biết, Vân Nội huyện Đông Anh hiện nay đã cho thành lập Hợp tác xã Ba Chữ để quy tụ 145 thành viên, với tổng diện tích trên 35 ha để sản xuất rau an toàn và rau hữu cơ chất lượng cao, cung cấp chủ yếu cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng và hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Hợp tác xã hiện có 21 ha sản xuất rau an toàn đã được chứng nhận chất lượng của Thành phố và 10 ha sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Để nâng cao uy tín với người tiêu dùng, hợp tác xã cũng đã xây dựng thương hiệu và dán nhãn QR code cho các sản phẩm của hợp tác xã để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần rau an toàn  Hải Anh, huyện Đông Anh chia sẻ, huyện Đông Anh đã không chỉ thúc đẩy thành lập các hợp tác xã mà còn tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Công ty Cổ phần rau an toàn Hải Anh cũng đã mở rộng hợp tác, liên kết với người nông dân và các hợp tác xã khác để xây dựng được vùng nguyên liệu trên 1.000 ha sản xuất rau an toàn chất lượng cao tại xã Vân Nội và thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê để cung ứng cho các trường học trên địa bàn Hà Nội. Việc thúc đẩy hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết đã nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm rau an toàn của huyện Đông Anh và giúp người nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, hiện nay toàn huyện Đông Anh có gần 700 ha diện tích sản xuất rau an toàn, trong đó có 500 ha đã được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung; 85 ha ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng PGS, 15 ha rau an toàn theo chuẩn VietGAP. Đối với diện tích sản xuất rau an toàn lớn như vậy, huyện Đông Anh cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững, hỗ trợ người sản xuất đăng ký thương hiệu và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong năm 2019, với việc tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng thống nhất trong cả nước, việc được cấp sao cho các sản phẩm nông sản sẽ là cơ hội để các sản phẩm rau an toàn của huyện Đông Anh được đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị của Thủ đô cũng như cả nước.

Để phát triển bền vững, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn đang được huyện Đông Anh quan tâm để kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các Hợp tác xã sản xuất rau an toàn, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của địa phương. Việc xây dựng chuỗi liên kết có ý nghĩa quan trọng vì giúp kiểm soát được chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó điều tiết hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Đây chính là xu hướng tất yếu để tiến tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Thiện Tâm

Top