Phát triển ‘Chè Bắc Sơn’ xứng với lợi thế của vùng

22/04/2019 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Với địa thế vùng đồi gò và khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn có nhiều lợi thế để phát triển cây chè và được xem là cây trồng chủ lực, thế mạnh của vùng.

Chè an toàn Bắc Sơn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong vùng. Ảnh: Thiện Tâm

Về Bắc Sơn vào một sớm mai, xa xa chúng tôi đã thấy những đồi chè xanh mướt, thấp thoáng các cô, các chị đang thoăn thoắt thu hái những búp chè non-thành phẩm của bao ngày chăm sóc vất vả, khó khăn.

Là một xã nghèo nằm ở phía Bắc của huyện Sóc Sơn, với truyền thống trồng chè từ lâu đời, những búp chè xanh đã nuôi dưỡng bao thế hệ cho người dân nơi đây.

Chia sẻ với phóng viên, chị Đào Thị Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn cho biết, cây chè là cây trồng chính của xã Bắc Sơn, tuy nhiên để phát triển cây chè bền vững và tạo dựng được thương hiệu Chè Bắc Sơn như hiện nay người dân đã phải trải qua rất nhiều gian nan. Nguyên nhân là do có nhiều giống chè cũ, cây đã cằn cỗi và các hộ dân vẫn còn trồng manh mún, nhỏ lẻ nên năng suất không cao, chất lượng thấp. Nhưng từ khi Bắc Sơn phát triển các mô hình trồng chè an toàn, nhất là mô hình thâm canh và tiêu thụ chè an toàn giữa Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội với HTX Nông lâm Bắc Sơn thì mọi thứ như thay da đổi thịt.

Theo chị Đào Thị Quý, nghề trồng chè ở Bắc Sơn đã có mấy chục năm từ thời các cụ. Trước kia toàn xã có tổng hơn 400 ha chè nhưng giờ người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng nên hiện nay diện tích chè còn khoảng 280ha. Trong xã có một vài hộ trồng chè điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên trồng khoảng hơn 1ha, hộ anh Nguyễn Văn Tuyên chưa đến 1ha hay gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm trồng nửa ha... Đây là những hộ có diện tích trồng chè lớn và có chất lượng tốt trong vùng.

Cũng theo chị Quý, thu hoạch chính của nghề trồng chè có lứa chính tập trung trong 8 tháng, thường hái rộ từ tháng 2 đến tháng 10, còn 4 tháng trước là chè họ đốn hoặc chè ngủ. Một 1ha chè sẽ cho khoảng 1 tấn chè khô. Hiện nay diện tích chè thuộc Hợp tác xã chè Bắc Sơn chỉ vào khoảng 100ha, với khoảng 30 hộ, được thành lập tháng 10/2012. Từ khi có thương hiệu thì việc quản lý và tiêu thụ chè có nhiều lợi thế hơn so với các hộ trồng chè của xã, do khi tham gia vào HTX các hộ được tập huấn, hướng dẫn trồng chè sạch mang lại năng suất và hiệu quả cao. Đồng thời tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người tiêu dùng. Còn các hộ dân ko thuộc HTX có nhiều bất lợi vì bán cho thương lái bị ép giá và trôi nổi.

Thị trường tiêu thụ của chè Bắc Sơn đa số trong khu vực Hà Nội, bên cạnh đó cũng có các công ty nước ngoài đến tiêu thụ nhưng nguồn cung không đủ. So với các cây trồng khác thì trồng chè cho thu nhập cao hơn, nhất là về dịp cuối năm. Bình quân chè có giá từ 100-120 nghìn/kg. Thời điểm Tết thì giá chè cao hơn khoảng tầm 300 nghìn/kg. Trừ hết chi phí, một tấn chè cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Các hộ khác cũng vậy. Lợi thế của việc thành lập nhãn hiệu hơn, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người tiêu dùng

 

Ảnh: Chè an toàn của Bắc Sơn được trồng và chăm sóc bảo đảm đúng quy trình an toàn thực phẩm.(Thiện Tâm).

 

Theo Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, diện tích trồng chè trên địa bàn huyện gần 600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã đồi gò nằm phía Bắc như: Bắc Sơn, Nam Sơn … Cây chè là cây chủ lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các xã trồng chè, tuy nhiên sản xuất chè còn manh mún, tự phát, trồng xen kẽ, phân tán, hiệu quả kinh tế thấp, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Việc đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa khọc kỹ thuật mới, cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của các hộ nông dân về sản xuất tạo ra sản phẩm chè an toàn từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ không nhiều.

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến góp phần tăng năng suất, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời gắn phát triển sản xuất chè với du lịch sinh thái, văn hóa, khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thàng chuỗi liên kết và chuỗi giá trị trong sản xuất chè nâng cao thu nhập cho nông dân trồng chè. Trong giai đoạn từ năm 2012- 2015 được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Nam Sơn …tương  xứng với tiềm năng, lợi thế các xã vùng đồi gò phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị sinh thái của thành phố.

Nhờ vậy, hiện nay, tổng diện tích trồng chè trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt 650 ha. Trong đó tỷ lệ trồng chè giống mới đạt gần 40% diện tích sản xuất. Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn trên 200ha, diện tích sản xuất chè VietGap là 40 ha. Nhãn hiệu sở hữu tập thể chè an toàn Bắc Sơn đã có nhưng chưa được quảng bá rộng rãi.

Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ở những diện tích có thể mở rộng và dần từng bước trồng thay thế các nương chè giống cũ đến năm 2020 đạt 700-720ha. Đồng thời nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng VietGap, hướng an toàn và hỗ trợ cơ giới hóa các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè Sóc Sơn. Trong đó, đến năm 2020 Diện tích chè VietGap 100ha, diện tích chè an toàn 200ha, trồng mới, cải tạo nương chè cũ 250ha, áp dung cơ giới hóa 150ha.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí duy trì và xúc tiến thương mại nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” thành một thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn và Thành phố Hà Nội.

Thiện Tâm

Top