Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TPHCM đánh giá toàn diện chất lượng không khí

20/12/2019 9:56 AM

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai thành phố là Hà Nội và TP HCM phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.

* Thủ tướng: Hà Nội cần tìm giải pháp cụ thể xử lý ô nhiễm không khí

* Hà Nội xác định nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

* Bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí vượt ngưỡng

Người dân lo ngại về sức khỏe khi liên tục có những cảnh báo về ô nhiễm không khí

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, UBND TPHCM nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường để làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.

UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải hoạt động các ngành công nghiệp, xây dựng, dân sinh, đảm bảo phù hợp điều kiện địa phương. Triển khai các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm không khí trên địa bàn trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải.

* Trong diễn biến liên quan, chiều 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng Văn phòng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành tổ chức cuộc họp để tìm nguyên nhân, bàn các giải pháp cấp bách và lâu dài để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TPHCM thời gian qua đều do các nguyên nhân chủ quan từ con người, chỉ một phần nhỏ do các yếu tố môi trường và khí hậu.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, Bộ tổ chức cuộc họp trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua số liệu báo cáo của các Bộ, ngành địa phương, có thể thấy 5 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đã ngày càng gia tăng tại TP Hà Nội và TPHCM.

Từ 2013-2019, các thành phần được quan trắc (trừ bụi mịn) đều có thông số về không khí có xu hướng giữ nguyên, riêng bụi PM10 (bụi cỡ lớn) có xu hướng giảm. Từ 2017-2019 chỉ số bụi mịn có xu hướng tăng theo mùa và theo thời gian từ 2h sáng - 9h sáng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các Bộ ngành đã phân tích và nhận diện được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Cụ thể, Hà Nội và TPHCM nhận định nguyên nhân lớn nhất là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông.

Nguyên nhân thứ 2 là do Hà Nội và TPHCM đang trở thành một “đại công trường”, mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Nguyên nhân thứ 3 là do tại 2 TP lớn số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh.

Riêng tại Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân là do tình trạng đốt rơm rạ từ ngoại thành và các tỉnh lân cận và đốt chất thải nguy hại, phát tán ra môi trường. Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra và gấp rút xử lý tình trạng đốt chất thải nguy hại tại các địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Như vậy, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đều là các nguyên nhân chủ quan, do con người tạo nên chứ không phải nguyên nhân khách quan từ môi trường hay khí hậu”.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải pháp trước mắt đầu tiên là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tập trung nguồn lực, bằng mọi phương án, huy động mọi lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hàng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân. Nếu chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại cần ngay lập tức có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần có ngay kế hoạch tiến hành phun nước định kỳ hàng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí. Ví dụ, trong những ngày ô nhiễm không khí dùng các biện pháp điều tiết các phương tiện giao thông hạn chế lưu thông.

Mặt khác, khuyến cáo người dân chuyển sử dụng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác bởi đây cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn. Hiện, Hà Nội thống kê có 60.000 hộ dân dùng bếp than tổ ong.

Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các UBND tỉnh, thành phố quanh Hà Nội có hoạt động nông nghiệp, tuyên truyền, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ; tuyệt đối không đốt chất thải nguy hại.

Về các biện pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các Bộ, ngành sẽ phối hợp để hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh hơn lộ trình xử lý ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM theo Quyết định 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý chất lượng không khí. Ví dụ, đối với phương tiện giao thông ở 2 TP lớn cần có quy chuẩn cao hơn ở các địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuyên truyền để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết, Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong.

Bộ trưởng cũng đề nghị, các Bộ, ngành cần phối hợp để sớm có đủ năng lực đánh giá tình trạng môi trường, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý ô nhiễm không khí.

Vĩnh Hoàng

Top