Phòng chống dịch sởi, sốt xuất huyết: Không được chủ quan

14/05/2019 9:00 PM

(Chinhphu.vn) – Chiều tối 14/5, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Đã có gần 1.200 ca mắc bệnh sởi

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong thời gian qua, dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng nhanh tại một số tỉnh thành trong cả nước. Trên địa bàn Thành phố, từ ngày 01/01/2019 đến 12/5/2019 đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 377/584 xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Trong số 1.193 trường hợp mắc sởi đã có 1.136 ca đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 57 trường hợp đang điều trị.  

Số mắc bệnh sởi tuyệt đối của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau TPHCM), số mắc tính theo tỷ lệ/100.000 dân là 13,2 (đứng thứ 5 cả nước sau Quảng Ninh, Đăk Nông, Đà Nẵng, Điện Biên. Một số quận, huyện của Hà Nội có số mắc cao như Hoàng Mai (159), Thanh Xuân (78), Nam Từ Liêm (77), Hà Đông (66), Đống Đa (59), Ba Đình (56), Thanh Trì (55), Hai Bà Trưng (54); Đông Anh (50).

Qua điều tra dịch tễ học cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Về tình hình bệnh sốt xuất huyết, toàn Thành phố ghi nhận 224 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc rải rác tại 29/30 quận, huyện, thị xã, 125 xã phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Trong số 224 trường hợp mắc có 214 trường hợp đã khỏi bệnh, hiện chỉ có 10 trường hợp đang điều trị. Số mắc giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm và đặc biệt giảm mạnh so với năm có dịch lớn 2017. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như Cầu Giấy (27 trường hợp), Đống Đa (24 trường hợp), Hoàng Mai (18 trường hợp), Hai Bà Trưng (14 trường hợp)…

Trước diễn biến của dịch bệnh, Thành ủy, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn; kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi và sốt xuất huyết, quán triệt các đơn vị cần tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP. Theo đó, các đơn vị liên quan đã giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, khi phát hiện có người mắc bệnh đã tổ chức ngay viên khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định. Vì vậy, hầu hết các ca bệnh đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không xuất hiện ca bệnh thứ phát và ổ dịch lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi và sốt xuất huyết còn một số khó khăn do Hà Nội là Thành phố có sự di biến động dân cư lớn; một số bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định. Đồng thời, theo quy định, vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy, những trẻ dưới 9 tháng tuổi là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này. Đối với bệnh sốt xuất huyết nguyên nhân là do nhiều gia đình chưa hợp tác trong việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy…

Ảnh: Thùy Linh

Tăng cường tuyên truyền, chủ động phòng chống dịch

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cho biết, so với năm 2018, tình hình bệnh sốt xuất huyết năm nay tăng gấp 3 lần. Vì vậy, trên tinh thần quyết liệt và không chủ quan, các đơn vị quận huyện phải thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Thành phố đã được ban hành từ đầu năm.

Đồng thời, yêu cầu các quận huyện nghiên cứu xây dựng Đề án chuyên đề về phòng chống dịch bệnh địa bàn đơn vị mình như huyện Thanh Trì đã và đang thực hiện tốt. Cùng với đó, cần tích cực tuyên truyền để người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…Đối với các bệnh nhân đang điều trị, các cơ sở y tế phải bảo đảm cách ly để chống lây nhiễm chéo; đối với những nơi có nguy cơ bùng phát dịch, cần tổ chức phun thuốc.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị của TP đã thực hiện nghiêm túc và quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và kế hoạch phòng chống dịch của TP ngay từ đầu năm. Đặc biệt, một số mô hình đã được triển khai hiệu quả tại huyện Thanh Trì, quận Đống Đa.

Hà Nội hiện đang đứng thứ 5 về số ca mắc sởi (tính theo tỷ lệ /100.000 dân; tình hình thời tiết bất thường khiến diễn biến của dịch sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn năm 2018 làm tăng nguy cơ bệnh dịch. Do đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung thông báo của UBND và các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, văn bản hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch sởi và sốt xuất huyết.

“Tùy vào từng địa bàn, các đơn vị quận huyện xây dựng các kế hoạch, đề án phòng chống dịch bệnh phù hợp trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị phải nâng tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin từ 95% lên 100%. Các cơ sở y tế phải bảo đảm khâu bảo quản vắc xin theo đúng quy trình, các trang thiết bị bảo quản phải bảo đảm đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, tuyệt đối không được xảy ra sai sót dẫn đến trường hợp tử vong”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đối với các trường hợp tiêm vaccine xong, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ sở y tế phải có trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh khi phát hiện các trường hợp trẻ phản ứng với vaccine để có phương án cấp cứu kịp thời. Đồng thời, vận động các đối tượng lớn tuổi tiêm vaccine phòng chống dịch sởi nếu chưa tiêm.

Đối với phòng chống dịch sốt xuất huyện, Chủ tịch UBND TP cho rằng mấu chốt để triển khai tốt công tác phòng chống dịch là phải tuyên truyền vận động người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, các trạm y tế phải tăng cường phun thuốc để phòng dịch. Trên tinh thần không được chủ quan, cần khoanh vùng các ổ dịch kịp thời để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch…

Thùy Linh

Top