Phòng chống nắng nóng gia súc, gia cầm thời điểm chuyển giao mùa

30/04/2024 3:08 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua thời tiết khí hậu có biến đổi bất thường, mặc dù mới ở thời điểm đầu tháng 5 (cuối tháng 3 âm lịch), nhưng đã xuất hiện những đợt nắng nóng bất thường, nhiệt độ tăng quá cao, kéo dài hàng tuần liên tục, hoặc ngày nắng nóng mưa về đêm đột ngột mưa lớn rất khó lường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng gia súc, gia cầm sẽ chết hoặc phát sinh dịch bệnh.

Phòng chống nắng nóng gia súc, gia cầm thời điểm chuyển giao mùa- Ảnh 1.

Người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: VGP/TT.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong thời gian qua với sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được quan tâm, dịch bệnh nguy hiểm từng bước được đẩy lui, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có vaccine bảo hộ. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên với thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, khó lường, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn cả nước rất lớn (đàn trâu 2,23 triệu con, đàn bò 6,41 triệu con, lợn 26,3 triệu con; đặc biệt đàn gia cầm trên địa bàn cả nước rất lớn với 558,9 triệu con), công tác vận chuyển lưu thông hằng ngày giữa các vùng miền lớn trong khi đó việc kiểm soát còn có lúc nơi lỏng, việc nhập lậu gia súc gia cầm nhất là ở các vùng biên giới vẫn xảy ra, khó kiểm soát. Một số dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long mong, tai xanh, cúm gia cầm, dại, viêm da nổi cục trâu bò... vẫn luôn tiềm ẩn, sẽ dẫn đến bùng phát khi có biến đổi thời khí hậu, nhất là ở những vùng, miền đã xảy ra dịch bệnh.

Đối với Hà Nội, tuy là Thủ đô nhưng có tổng đàn gia súc gia cầm đứng tốp đầu cả nước, nhất là đàn gia cầm và đàn lợn, đàn gia cầm có khoảng hơn 41 triệu con, đàn lợn khoảng 1,5 triệu, đàn trâu bò 158.5 nghìn con. Số lượng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện có 130 trang trại quy mô lớn, 1.593 trang trại quy mô vừa, 4.658 trang trại quy mô nhỏ, 173.708 hộ chăn nuôi.

Vì vậy, để chủ động ứng phó phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ cho đàn gia súc gia cầm trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, do thời tiết nắng nóng, mưa, giông lốc thất thường, người chăn nuôi cần chú ý hằng ngày nghe thông tin trên hệ thống truyền thông về thời tiết để chủ động áp dụng việc che chắn ngay hệ thống chuồng trại. Điều này rất quan trọng để tránh làm con vật bị thay đổi nhiệt đột ngột, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, kể cả gia súc gia cầm ở mọi lứa tuổi, nhất là gia súc gia cầm non, mới nhập đàn.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra ngay các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa và nâng cấp bảo đảm cho các hệ thống sử dụng tốt. Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín, cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành. Nên lắp đặt các hệ thống báo động tự động để kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố về kỹ thuật xảy ra. Với chuồng nuôi bò sữa đảm bảo vận hành hệ thống chống nóng tự động trong chuồng nuôi cũng như trên mái, thường xuyên kiểm tra nguồn nước làm mát, hệ thống quạt điện để bò sữa luôn được mát.

Hằng ngày, phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài, chú ý khu vực xung quanh chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò. Khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh, sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi. Sau vệ sinh cơ giới có thể dùng nước rửa chuồng, lưu ý khi rửa chuồng trại xong, không nên để nước đọng để tránh cho con vật uống phải nước bẩn. Thực hiện phun thuốc sát trùng trên diện rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi.

Trong những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. 

Đồng thời, người chăn nuôi cũng cần bảo đảm nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc gia cầm, tốt nhất là lắp đặt hệ thống nước uống tự động cho con vật trong chuồng nuôi. Hằng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước cung cấp và vệ sinh nguồn nước, có thể bổ sung trực tiếp một số vitamin hoặc các nguyên tố vi lượng thông qua hệ thống nước uống để giúp cho con vật hấp thu trực tiếp.

Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt quy định về nhập giống tăng đàn và vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng, nóng. Trong đó cần nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi. Việc vận chuyển giống về địa phương cần thực hiện tốt quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Khi vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào buổi sáng sớm và chiều mát. Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho gia súc súc gia cầm nghỉ ngơi hợp lý,

Trong trường hợp thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng (ho sốt, khó thở, ủ rũ, đi lại không bình thường …) có biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời. Đồng thời thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để khống chế ngăn chặn dịch, không đẻ bùng phát lây lan trên diện rộng.

Thiện Tâm

Top