Phong tục mua và xin câu đối ngày Tết ở người Việt xưa

01/02/2019 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Mỗi năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về người người nhà nhà đều háo hức chuẩn bị đón Tết, sắm sửa đủ thứ với hy vọng đón một cái Tết đầy đủ nhất, sung túc nhất. Trước đây, để trang hoàng nhà cửa đón Tết, mỗi gia đình treo câu đối đỏ trong nhà để mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an và thành công trong năm mới. Trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa, tục treo câu đối trong nhà ngày xuân còn là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối. Đây được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội, là món ăn tinh thần ngày Tết.

Tục treo câu đối trong nhà ngày xuân là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối

Ngày Tết, người Việt xưa thường có thói quen mua và xin câu đối đỏ để treo trong nhà, đó là những câu thơ đối vần, đối nghĩa được viết trên giấy màu hồng đào hoặc màu đỏ. Theo quan niệm của người Việt xưa màu đỏ là màu rực rỡ, tượng trưng cho sự may mắn, cát tường, cho những điều tốt lành. Từng câu chữ được viết trên giấy đều là những lời chúc, lời cầu mong ý nghĩa nhất mà người mua và người xin câu đối mong muốn đạt được.

Theo phong tục truyền thống xưa, người cho chữ thường là các ông đồ, trúc nho, còn người xin chữ là những người mang trong mình niềm tin, cầu mong những tin mừng, những sĩ tử cầu mong may mắn trong thi cử, những người mang chức quan thì cầu mong năm mới thăng quan phát tài, có những người nông dân, lao động thì cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.

Cách đây gần trọn một thế kỷ, hình ảnh những ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ trên phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong con mắt của mọi người. Ông đồ thường ngồi ở một góc phố nhỏ, và ở đó người người xếp hàng đến mua và xin câu đối đầu năm. Sở dĩ được gọi là câu đối đỏ bởi màu đỏ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của sự may mắn, hy vọng.

Vào đầu năm mới, mỗi gia đình đều treo câu đối đỏ trong nhà. Mỗi nhà treo một câu đối khác nhau với một mục đích khác nhau nhưng tất cả đều mong năm mới sẽ mang đến may mắn, bình an và thành công. Câu đối đỏ cũng là một hình thức thể hiện tinh thần, hoàn cảnh sống của mỗi người, mỗi gia đình. Theo quan niệm xua, treo câu đối đỏ trong nhà sẽ rước thêm lộc về nhà, mọi chuyện sẽ gặp nhiều may mắn, tránh xa được những điều không tốt, mang lại cảm giác thư thái, an nhiên.

Từng nét chữ trên giấy đỏ đều toát lên những vẻ đẹp của người mua và người xin câu đối, về đạo đức và đời sống với những con người cụ thể, nó bắt nguồn từ chính thực tế đời sống của người dân Việt xưa. Mỗi câu đối được viết lên đều mang ý nghĩa tốt đẹp của nó, giống như một lời nhắc nhở với mọi người về đạo đức, về lối sống, về cách làm người, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Người xưa thường treo câu đối đỏ trong nhà bằng chữ Nôm, đến nay việc treo câu đối đỏ trong nhà dường như đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam. Người dân thường treo trong nhà những câu đối đỏ, đó không phải là chữ Nôm mà bằng chữ quốc ngữ. Tuy nhiên từng nét chữ hiện lên đều góp phần làm toát lên khí chất của người viết và người mua, người xin câu đối.

Tục treo câu đối đỏ ngày nay được duy trì bằng cách người dân thường đi mua câu đối đỏ của nhà Nho về treo lên. Đối với từng ước muốn, nguyện vọng và điều kiện của mình mà có những câu đối khác nhau. Có người sử dụng câu đối đỏ để làm thành món quà ý nghĩa giống như một lời chúc tụng nhau cho một năm mới ngập tràn may mắn, thành công, cát tường. Câu đối còn là cây cầu kết nối giữa những tâm hồn của con người yêu văn thơ, thể hiện tình cảm của người viết. Câu đối cũng chính là lời chúc mà người viết muốn dành tặng cho người xin chữ, làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên thi vị hơn.

Những câu đối treo trong ngày Tết thường mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta về những điều tốt đẹp, về đạo đức, về lối sống, về cách hành xử hàng ngày, về ước mơ, mong ước một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thành công.

Phong tục mua và xin câu đối ngày Tết của người Việt dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét văn hóa. Treo câu đối không chỉ là truyền thống tự lâu đời mà nó còn là việc làm thể hiện nét đẹp của con người Việt Nam. Câu đối cũng chính là đại diện cho hình ảnh những con người Việt Nam, về cuộc sống, về thói quen hàng ngày bởi nguồn gốc của câu đối đều bắt nguồn từ thực tiễn đời sống người Việt. Mỗi một câu đối được xin, được mua đều chứa đựng trong nó những ý nghĩa nhất định, làm thành những bài học giáo dục sâu sắc, hướng con người đến vẻ đẹp chân-thiện-mỹ.

Phong tục xin và mua câu đối ngày Tết dường như đã trở thành một điều tất yếu, thành thói quen của người Việt với mong muốn hy vọng tất cả những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình và với gia đình của mình. Treo câu đối trong nhà cũng chính là lời chúc, niềm hy vọng mà người treo muốn gửi gắm, đó cũng là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.

Thanh Tâm

Top