Quận Hai Bà Trưng: Năm 2018 đẩy mạnh phối hợp liên ngành về bảo đảm ATTP

15/01/2018 8:24 AM

(Chinhphu.vn)- Trong năm 2017, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận được giữ vững, không để xảy các vụ ngộ độc trên địa bàn.

Nhân viên y tế lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại một nhà hàng-Ảnh minh họa

Hiện nay, quận Hai Bà Trưng đang quản lý 3.785 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại 20 phường và 3 chợ hạng I, II. Trong đó ngành y tế quản lý 2.029 cơ sở, ngành Công thương quản lý 933 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 823 cơ sở.

Ngay từ đầu năm, quận Hai Bà Trưng đã triển khai tuyên truyền, giáo dục ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp, ban ngành, các cơ quan, đơn vị như: Hội Phụ nữ, hội Chữ thập đỏ, đoàn Thanh niên, cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện lồng ghép, hội thảo, cuộc thi tìm hiểu thực thi pháp luật về công tác ATTP cho các hội viên, cán bộ, học sinh, sinh viên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Trong năm 2017, Hội Phụ nữ quận đã tổ chức 21 cuộc tuyên truyền cho 1.683 hội viên về các văn bản pháp luật, kiến thức ATTP thông qua hội nghị, sinh hoạt hội viên. Đồng thời, chỉ đạo hội LHPN phường Bạch Đằng triển khai mô hình điểm “Ăn sạch - Sống xanh” trồng rau an toàn nhằm thay đổi hành vi trong ATTP tại 2 chi hội. Bên cạnh đó, Hội viên phụ nữ 20 phường và 02 chợ (Hôm - Đức Viên, Đồng Tâm) tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên làm nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện “3 không”: Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép.

Công tác cấp giấy xác nhận ATTP được các ngành chức năng chú trọng: đã cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 2.136 chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý; ngành công thương là 335 người và ngành nông nghiệp là 126 người.

Rút ngắn thủ tục hành chính “Cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” từ 13 ngày xuống còn 11 ngày làm việc; cấp 236 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP ngành y tế, 20 Giấy chứng nhận (GCN) ngành công thương và 13 GCN ngành nông nghiệp; ký cam kết ATTP 215 cơ sở thuộc ngành công thương quản lý; cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 110 cơ sở dịch vụ ăn uống.

Song song với đó, quận cũng siết chặt công tác thanh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Quận duy trì 2 đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, 20 đoàn liên ngành kiểm tra ATTP phường kiểm tra thường xuyên, đột xuất theo yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt trong các dịp tết, lễ hội.

Kết quả, toàn quận kiểm tra, giám sát 5.740 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng/418 cơ sở; tạm dừng hoạt động: 90 cơ sở; thu giữ và hủy sản phẩm: Khoảng 8,5 tấn thực phẩm không bảo đảm ATTP và tạm giữ 4,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. 100% các cơ sở được kiểm tra, giám sát được xét nghiệm nhanh về ATTP. 47 bếp ăn tập thể, căng tin tại các cơ sở giáo dục công lập được trang bị và thực hiện các test xét nghiệm nhanh về ATTP.

Đáng chú ý, quận đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xử lý các thông tin về mất ATTP trên địa bàn thông qua phản ánh của báo chí. Trong năm, đã tiến hành xác minh thông tin việc chế biến bì lợn ngâm tẩm hóa chất, không rõ nguồn gốc xuất xứ và bán trên thị trường, trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh nem chua rán tại phố Trần Xuân Soạn, phường Ngô Thì Nhậm; Kiểm tra một số cơ sở có dấu hiệu vi phạm được báo chí nêu.

Đặc biệt, trong năm 2017, quận đã triển khai một số mô hình thí điểm về ATTP như: đề án mô hình điểm về ATTP tại phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục giai đoạn 2016-2018.

Kết quả, tính đến tháng 12/2017: 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận được quản lý; không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.

Đồng thời, triển khai đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây. Theo đó, đã gắn 9 biển nhận diện logo đề án thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây; triển khai mô hình ATTP tại tuyến phố văn minh Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân. Tuyến phố Triệu Việt Vương hiện có 50 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong đó có 41 cơ sở dịch vụ ăn uống, thực phẩm chín và 9 cơ sở thức ăn đường phố.

Quận đã triển khai các nội dung công việc theo mô hình như: Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP, khám sức khỏe, kiểm nghiệm nhanh ATTP, kiểm tra, giám sát tại cơ sở và định kỳ hàng quý có báo cáo công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố về Sở Y tế.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, năm 2017, quận Hai Bà Trưng đã khen thưởng 24 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý ATTP. Thành phố tặng bằng khen cho 1 cá nhân và 1 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, chỉ đạo, triển khai “Tháng hành động vì ATTP” và công tác phòng chống ngộ độc rượu do Methanol.

Năm 2018, để bảo đảm công tác ATTP trên địa bàn, quận sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình điểm ATTP, chương trình chung tay, phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020. Làm tốt công tác phối hợp liên ngành quận và phường trong công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Lễ Hội xuân và các hoạt động bảo đảm ATTP năm 2018.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cổ động, phổ biến các quy định về ATTP. Thông báo kịp thời các địa chỉ tin cậy cũng như các địa chỉ không thực hiện đúng các quy định về ATTP cho người tiêu dùng biết. Đặc biệt là vận động người dân thay đổi các hành vi không tốt trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Huy Thành

Top