Quản lý giá sữa: Cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng

07/09/2017 4:42 PM

(Chinhphu.vn) – Việc đăng ký, kê khai giá sữa, cập nhật mức giá bán buôn, bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi,... được quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BCT sẽ góp phần làm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội, đến thời điểm này giá sữa có sự thay đổi nhẹ. Anh Nguyễn Văn Minh, chủ cửa hàng kinh doanh sữa và đồ dùng trẻ em (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, ngoài sản phẩm sữa Friso có điều chỉnh nhẹ về giá từ 3 tháng trước, một số sản phẩm sữa khác đã có chút điều chỉnh giá.

Chị Hà Thu Thảo ở Phố Thụy Khuê, Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ, lâu nay gia đình chị thường mua sữa tại các siêu thị lớn vì giá niêm yết rõ ràng. Khi các hãng sữa điều chỉnh giá, các siêu thị đều nghiêm túc điều chỉnh theo quy định.

“Với quy định mới này, hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp quản lý hiệu quả đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng...”, chị Thảo mong muốn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người tiêu dùng tỏ băn khoăn như liệu khi kê khai giá, sẽ có trường hợp gian lận, trục lợi, kê cao hơn giá thực tế? Trước những băn khoăn này, đại diện lãnh đạo ngành Công Thương cho biết, các ngành khác như Y tế, Hải quan,... sẽ cùng vào cuộc để kiểm soát.

Riêng với việc các đại lý phân phối không kê khai giá, hoặc bán giá cao hơn mức giá khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá.

Người tiêu dùng được hưởng lợi

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Công văn thực hiện quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá, kê khai giá đối với các thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn TP. Hà Nội (ngoài các thương nhân sản xuất, nhập khẩu đã đăng ký giá, kê khai giá với Bộ Công Thương) theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BCT.

Thông báo danh sách thương nhân sản xuất, nhập khẩu đăng ký giá, kê khai giá với Sở và định kỳ vào ngày 1/7 hằng năm hoặc trường hợp đột xuất, rà soát, thông báo điều chỉnh danh sách các thương nhân sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký giá, kê khai giá tại Sở; đồng thời, cập nhật mức giá bán buôn, bán lẻ các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố công khai trên trang website của Sở Công Thương để UBND các quận, huyện, thị xã có căn cứ rà soát giá bán lẻ đối với các thương nhân kê khai giá và kiểm soát giá bán lẻ của các thương nhân phân phối đến người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc thực hiện được những quy định trên sẽ giúp người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi ích lớn nhất cả về chất lượng lẫn giá khi các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược cạnh tranh.

Ngoài việc quản lý giá bán của hàng hóa, các doanh nghiệp cũng cần khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa đến người tiêu dùng.

Việc triển khai các quy định mới có thể nảy sinh những bất cập đòi hỏi tiếp tục phải tháo gỡ. Nhưng, đây là tín hiệu cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý, địa phương trong việc kiểm soát giá đối với mặt hàng thiết yếu này, nhằm phục vụ tốt nhất cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thùy Linh

Top