Quản lý thực phẩm nhập khẩu: Giải pháp nào hiệu quả?

17/05/2016 3:19 PM

(Chinhphu.vn) – Những năm qua, các cấp, ngành Hà Nội đã nỗ lực không ngừng thường xuyên phối hợp thanh, kiểm tra và có nhiều biện pháp để kiểm soát, quản lý hiệu quả đối với thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, thực phẩm nhập khẩu, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn còn có nguy cơ gia tăng và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, với số dân hơn 7 triệu người và khoảng 2 triệu người thường xuyên sinh sống trên địa bàn, cùng với hơn 20 triệu khách du lịch, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ một lượng thực phẩm rất lớn. Trong đó, các hộ sản xuất trên địa bàn chỉ cung cấp lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.

Trên thị trường Hà Nội, thực phẩm nhập khẩu rất đa dạng và phong phú về chủng loại, số lượng, thành phần tham gia kinh doanh, quy mô, phương thức và địa điểm. Từ các loại thực phẩm tiêu dùng, thiết yếu hàng ngày như gạo, đường, sữa, bánh kẹo, thịt và các sản phẩm thịt có nguồn gốc là gia súc gia cầm (thịt bò, thịt trâu, cánh, chân gà,..), dầu ăn, thủy sản, gia vị, phụ gia, nước giải khát, quả tươi... đến các loại thực phẩm chế biến có giá trị kinh tế cao như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng,... có xuất xứ từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,...trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhập khẩu.

Vẫn tràn lan thực phẩm nhập khẩu

Theo Chi cục Quản lý Thị trường (Sở Công Thương Hà Nội), thực phẩm nhập khẩu được kinh doanh qua nhiều kênh phân phối truyền thống như bán lẻ tại các điểm kinh doanh, chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh đến bày bán tại các cửa hàng tiêu dùng chuyên doanh (hàng xách tay, hàng tiêu dùng Thái Lan, hàng Nhật Bản nội địa); hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn toàn Thành phố hoặc thông qua các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, doanh nghiệp kinh doanh dược, cửa hàng, nhà thuốc, ... đến kinh doanh bán hàng trên mạng.

Thông thường, thực phẩm nhập khẩu tiêu thụ dưới hình thức nhập khẩu, phân phối chính ngạch hoặc thực phẩm nhập lậu dưới hình thức hàng xách tay, gian lận thương mại qua hình thức hàng tạm nhập tái xuất.

Ngoài ra, rất nhiều loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhập khẩu còn được tiêu thụ qua kênh là nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến tại các cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp tập trung; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong các năm qua, các cấp, các ngành Thành phố đã nỗ lực không ngừng thường xuyên phối hợp thanh, kiểm tra và có nhiều biện pháp để kiểm soát và quản lý hiệu quả đối với thực phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhập khẩu trên thực tế, thị trường Hà Nội hiện nay cho thấy lĩnh vực kinh doanh thực phẩm nhập khẩu nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm còn có nguy cơ gia tăng và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Cần tạo thói quen, tâm lý mua sắm hàng Việt

Trong thời gian tới, để quản lý tốt thực phẩm nhập khẩu trên địa bàn Thủ đô, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước Thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm rộng rãi trong cộng đồng thương nhân kinh doanh nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng Thủ đô.

Tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;

Bên cạnh đó, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, phân phối, bán lẻ thực phẩm, hiệp hội siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường và tạo thói quen, tâm lý mua sắm tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam của đa số nhân dân Thủ đô.

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đây là trọng trách, nhiệm vụ lớn, thường xuyên và của cả hệ thống chính trị của Thành phố đến cơ sở và của toàn dân;...

Ngoài ra, cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu thực phẩm tại các cửa khẩu sân bay, điểm thông quan, hoạt động kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tạm hập tái xuất, bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm trên địa bàn toàn Thành phố; kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở kinh doanh tự phát kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Diệu Anh

 

Top