Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

16/04/2024 3:44 PM

(Chinhphu.vn) - Cục Thuế Hà Nội xác định sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thu với hộ kinh doanh. Công tác này sẽ được triển khai quyết liệt và toàn diện hơn, đặc biệt là với kinh doanh thương mại điện tử bởi đây là lĩnh vực thu quan trọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử- Ảnh 1.

Từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Internet

Do đó, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Cục Thuế Hà Nội đã bước đầu xác định rõ các loại hình thương mại điện tử, tập trung phân loại theo từng đối tượng cụ thể, gồm các tổ chức, doanh nghiệp thường trú/không thường trú tại Việt Nam; hộ kinh doanh; cá nhân song song với từng loại hình hoạt động, như chủ sở hữu nền tảng sàn thương mại điện tử, ngang hàng (Grab, AirBnB); quảng cáo (Google, Facebook, Youtube...); đại lý (Booking, Agoda); thuê bao (FPT, Apple...)...

Qua đó tăng cường phối hợp với các trung gian thương mại điện tử, các tổ chức ngân hàng để thu thập thông tin, làm giàu cơ sở dữ liệu, xây dựng biểu mẫu, kế hoạch quản lý thuế và quy trình kiểm tra phù hợp đối với từng loại hình, từng đối tượng.

Một trong những kết quả nổi bật nữa là Cục Thuế Hà Nội đã chủ động xây dựng công cụ rà soát rủi ro hóa đơn trên hệ thống phần mềm web để phục vụ công tác kiểm tra tại bàn và công tác thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Đồng thời, từ thực tiễn công tác quản lý, Cục Thuế đã đúc kết xây dựng bộ 9 tiêu chí rủi ro, khi đưa vào triển khai đã giúp phát hiện các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Qua đó góp phần kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi mua, bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Về công tác quản lý đối tượng, kê khai, nộp thuế bằng hình thức điện tử (eTax Mobile, App của ngân hàng)... cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Bản đồ số hộ kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh làm căn cứ xác định chi phí và mức doanh thu.

Theo thống kê sơ bộ, số thu lũy kế khối hộ kinh doanh cá nhân trên địa bàn Thủ đô trong 3 tháng đầu năm đạt 794 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trên cơ sở đó, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối tượng hộ kinh doanh cá nhân, phối hợp đối chiếu với các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan thống kê, cơ quan đăng ký kinh doanh...) để bổ sung vào danh sách duyệt bộ kỳ tiếp theo.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát dữ liệu hóa đơn, tình hình kinh doanh thực tế để đưa các cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử vào diện theo dõi.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, bám sát diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để xây dựng các kịch bản thu ngân sách Nhà nước theo từng tuần, từng tháng, quý; theo từng nguồn thu, từng người nộp thuế và gắn với trách nhiệm thực hiện của từng lãnh đạo cơ quan thuế nhằm kịp thời đề ra các giải pháp thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn.

Đồng thời, triển khai quyết liệt công tác rà soát và đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời toàn bộ nguồn thu trên địa bàn và các khoản thu phát sinh phải nộp trong các tháng, quý năm 2024 trên cơ sở giao nhiệm vụ cụ thể và giám sát, kiểm đếm tình hình thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, từng công chức.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao về thuế như kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá; tập trung rà soát thu, đôn đốc các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

BÍch Phương

Top