Quản lý xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị chuyển biến tích cực

25/05/2020 2:54 PM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2015-2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội cũng như Chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Từ đó, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác hiệu quả, giúp công tác quản lý các hoạt động xây dựng đi vào nề nếp.

TP. Hà Nội “thay áo mới” cho vỉa hè bằng cách trồng cây, hoa và lát đá vỉa hè mới trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Thùy Chi

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ

Kết quả nổi bật giai đoạn 2015-2020 là Sở Xây dựng Hà Nội đã thực hiện tốt chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả rất quan trọng: Các công trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo thứ tự ưu tiên và tính cấp thiết, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị và cải thiện môi trường sống của người dân; tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp, cán bộ cơ sở trong quản lý và phát triển hạ tầng đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng hoàn thành nhiệm vụ Chỉ thị số 08-CT/TU của Thành uỷ Hà Nội. Từ những tham mưu cho Ban cán sự Đảng, TP. Hà Nội đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị trong công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn. Qua đó, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực rõ rệt, bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng sạch đẹp hơn, trật tự công cộng, văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu Chuyên đề 4 “Đánh giá công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị nhiệm kỳ đại hội XVI (2015-2020) và định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn 2030” thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Chương trình và được đánh giá đạt loại xuất sắc.

Về nhiệm vụ 29 “Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025” phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ủy Sở Xây dựng đã nghiệm thu vào 14/5.

Đồng thời, tham mưu tích cực, có hiệu quả việc rà soát, soạn thảo trình UBND TP. Hà Nội ban hành trên 30 quy hoạch, đề án, kế hoạch chuyên ngành, văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới của Nhà nước, Thành phố về công tác thẩm định, chất lượng công trình xây dựng; cấp phép xây dựng, về nhà ở và công sở, về quản lý kỹ thuật đô thị.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, Đảng bộ Sở Xây dựng đã thực hiện rất tốt công tác quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Công tác cấp nước sạch được đặc biệt quan tâm, các dự án đầu tư về nước sạch được đẩy nhanh tiến độ.

Nhờ những giải pháp kịp thời, hiện 100% khu vực đô thị đã có hệ thống cấp nước sạch, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Đến hết năm 2019, các dự án phát triển mạng tiếp tục được hoàn thành, nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế lên 75% và phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100%. Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hồ nội thành.

Công tác vệ sinh môi trường cũng được đổi mới theo phương thức đấu thầu, cung cấp dịch vụ theo hướng tăng cường cơ giới hóa, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Từ đó, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố, khu dân cư được tăng cường và có chuyển biến rõ nét (tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt 90%). Dự án nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày ở Sóc Sơn sẽ sớm đưa vào vận hành trong quý IV/2020.

Chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị

Trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh, thiếu hụt các không gian xanh đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn quan tâm đến công tác quản lý, duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc và tăng độ phủ cây xanh.

Đến năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, về đích trước thời hạn đề ra 2 năm. TP. Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng bổ sung thêm 600.000 cây trong hai năm 2019, 2020.

Kết quả, năm 2019 và quý I/2020 toàn Thành phố đã trồng được 415.440 cây xanh, đạt 69,2% kế hoạch. Cùng với đó, công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng được thường xuyên duy trì, bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng tối thiếu từ 95% - 98%. Từng bước ngầm hóa các đường dây đi nổi, kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị. Đến nay, đã thực hiện hạ ngầm được 146/253 tuyến (gồm 5 đợt) nâng số tuyến được hạ ngầm lên 336 tuyến.

Ngoài ra, công tác phát triển nhà ở được đẩy mạnh, Sở Xây dựng đã tăng cường tham mưu cho UBND TP. Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách, triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Áp dụng hình thức xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ; ban hành Quy định bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Từng bước thực hiện cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở, đến hết năm 2019 diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09 m2/người và dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25 m2/người, vượt so với kế hoạch đề ra.

Đến nay, công tác quản lý vận hành nhà chung cư đạt được kết quả khả quan. Công tác quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn được tăng cường. Công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng tiếp tục được thực hiện tốt, đặc biệt tập trung vào các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình an sinh xã hội, có quy mô lớn và ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Trong giai đoạn này, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chủ trì, xây dựng quy trình, định mức, đơn giá duy trì lĩnh vực dịch vụ công ích; hoàn chỉnh đề án giá dịch vụ thoát nước, đề án giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép xây dựng trên địa bàn Thành phố tiếp tục được đẩy mạnh.

Tỷ lệ công trình có giấy phép xây dựng, không vi phạm trật tự xây dựng tăng từ 86,5% năm 2015 lên 96,93% năm 2019. Thực hiện giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng trong thời gian 15 ngày (theo quy định của Luật Xây dựng là 30 ngày).

Đặc biệt, công tác quản lý trật tự xây dựng chuyển biến tích cực và ngày càng được siết chặt. Năm 2018, Sở đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng ban hành Quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Kết quả, không có quá nhiều công trình vi phạm nổi cộm, tình hình quản lý trật tự xây dựng có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (năm 2016 là 13,5%; năm 2017 10,99%; năm 2018: 5,3%; năm 2019 là 3,15%).

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, để kịp thời ứng phó, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhanh chóng thực hiện các Chỉ thị của Thành phố, Chính phủ các giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Thùy Chi

Top