Quy hoạch 2 bên sông Hồng theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh

06/12/2023 6:10 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội xác định lấy trục sông Hồng làm trung tâm trong quy hoạch mới. Khi quy hoạch 2 bên sông Hồng cần thiết kế theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh.

Quy hoạch 2 bên sông Hồng theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh- Ảnh 1.

Sông Hồng có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nghiên cứu xây dựng phát triển đô thị hài hòa hai bên sông Hồng

Theo Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt, Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh xây dựng phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Đây là quan điểm mới trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2022, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng. Theo quy hoạch được phê duyệt, chiều dài quy hoạch phân khu là 40 km trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, 13 quận huyện gồm: Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín.

Quy hoạch có 3 phân đoạn chính. Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên. Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa dịch vụ thương mại. Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái, trọng tâm với các khu vực trồng rau màu cây cảnh khu vực nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử. Dự báo dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người.

Về vị trí của sông Hồng, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định: Ngày 20/10/1996, Thường vụ Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 10-TB/TW về "Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2020" chỉ rõ: "Mở rộng quy mô Hà Nội chủ yếu về phía Tây (phía Tây Bắc và Tây Nam) và phía Bắc. Ưu tiên trước cho đầu tư phát triển phía Bắc sông Hồng (từ sông Đuống trở lại), nơi đã có sẵn các đầu mối giao thông thuận lợi để phát huy tốt cảng Cái Lân, Hải Phòng, các trục quốc lộ số 18, số 5 và sân bay quốc tế Nội Bài.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng khẳng định điều này tại hội thảo khoa học chủ đề: "Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.

Quan điểm này được GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày cụ thể trên cơ sở ý kiến của Liên danh tư vấn nghiên cứu góp ý cho Hà Nội. Theo đó, 5 vùng kinh tế - xã hội của Hà Nội được xác định gồm: Vùng đô thị Nam sông Hồng gồm 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng 1 có 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy - khu vực trung tâm hành chính quốc gia. Tiểu vùng 2 gồm 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức. Vùng thứ hai là vùng Bắc sông Hồng, gồm 4 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Mê Linh, hình thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô.

Theo đó, 5 không gian phát triển đô thị: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học - đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

TS. Chu Mạnh Hùng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất: Phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn là một trong những phương hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị. Trong đó lấy sông Hồng làm trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông Hồng và xây dựng một số đô thị vệ tinh, mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô ở khu vực phía Bắc và phía Tây thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... mới của Thủ đô.

Quy hoạch phát triển 2 bên sông Hồng để tạo lên những giá trị mới

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định vai trò quan trọng của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Kinh thành. Do nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng dần dần được hình thành và gia cố, từ các đoạn đê riêng lẻ đã liên kết thành các tuyến đê dọc theo hai bờ sông. Tuy đóng vai trò quan trọng trong phòng chống lũ, song về phát triển không gian, vô hình chung hệ thống đê chống lũ đã tạo nên sự ngăn cách sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay.

Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.

Với các định hướng đó, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những đảm giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại. Tạo nên những giá trị mới cho Thành phố nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 5/12, vấn đề quy hoạch 2 bên sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là nội dung được quan tâm, đóng góp ý kiến. Góp ý vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Huyện Ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị, khi quy hoạch 2 bên sông Hồng cần thiết kế theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh cho giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó là thực hiện di trụ sở các cơ quan ra ngoài để tạo không gian tĩnh cho giao thông.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết, Ban được Thường trực HĐND giao thẩm tra đồ án Quy hoạch chung nên đã có sự tham gia ngay từ đầu. Sau khi Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ vào tháng 6/2023, thành phố đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sau 6 tháng, Đồ án được hoàn thành bàn bản, công phu, thể hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội Phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Hiện các yếu tố liên quan đến 4 mốc thời gian (tới các năm 2030, 2045, 2050 và 2065) giữa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khớp nhau. Do đó, các thông số liên quan đồ án quy hoạch chung được HĐND TP. Hà Nội thông qua sẽ là luận cứ đưa vào đồ án Quy hoạch Thủ đô và ngược lại, các nội dung như dân số, diện tích, tốc độ phát triển, trình độ nhân lực… được đề cập đến trong đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ được bổ sung vào đồ án điều chỉnh chung Thủ đô.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự tương tác, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô Hà Nội như: Kiểm soát không gian phát triển thành phố; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển 2 mô hình thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi hai đồ án quy hoạch cấp Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, Hà Nội phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển mới cho Thủ đô đồng bộ, toàn diện.

Mục tiêu Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là phát triển Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.

Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Thùy Chi

Top