Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xứng tầm xu thế phát triển của thời đại

21/11/2023 6:25 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách nhìn nhận, cần phải tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển, từ đó xây dựng quy hoạch Thủ đô xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xứng tầm xu thế phát triển của thời đại- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn quy hoạch Thủ đô sẽ đạt được mục tiêu xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra ngày 21/11, tại Hà Nội.

Nhận diện 5 "điểm nghẽn" phát triển Thủ đô

Tham luận về một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô nhận diện 5 "điểm nghẽn" trong phát triển Thủ đô hiện nay.

Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.

Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận quy mô đặt ra trong quy hoạch Thủ đô là khá hạn hẹp. Tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065 mà không đến năm 2100, hoặc tại sao không đặt vấn đề Hà Nội là trung tâm phát triển của vùng, khu vực, mà mới chỉ là trung tâm của cả nước.

"Việc quy hoạch Thủ đô thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc song vẫn còn một số số hạn chế như hướng phát triển không rõ ràng theo trục nào, trong 5 trục thì trục nào là trục chính? Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch không theo kịp phát triển. Vấn đề nữa là xây dựng không gian ngầm, nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển", nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Vì vậy, phải quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều, có quá khứ, hiện tại và tương lai; đồng thời quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm. Riêng về giao thông, phải hướng tới ưu tiên giao thông công cộng và xử lý hợp lý giao thông cá nhân; đồng thời cần phát triển giao thông đường thủy. Ngoài ra, phải phát triển Hà Nội với nhiều màu xanh bởi hiện Hà Nội có quá ít công viên và cây xanh…, từ đó xây dựng Thủ đô đáng sống, hạnh phúc, văn minh hiện đai, là trung tâm phát triển của cả nước, vùng và khu vực.

Cần phát triển theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị

TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận quy hoạch phát triển Thủ đô nên theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị. Đô thị có thể được phân thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén.

Cùng với đó là chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô. "Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị. Cần có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hằng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch", TS. Nguyễn Đức Kiên gợi ý.

Tính khả thi và đồng thuận để giải quyết triệt để các vấn đề của Thủ đô sẽ chỉ đạt được khi nhận thức, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư được tôn trọng và tăng cường.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý các định hướng phát triển Thủ đô phải hướng đến là thành phố có giá trị về kinh tế, văn hoá, lịch sử, là thành phố có sức sống, có sức cạnh tranh.

Các đơn vị lập Quy hoạch lưu ý xây dựng các bộ chỉ số áp dụng đặc biệt trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; quy hoạch gắn với bảo tồn và phát triển, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện và xác định các ưu tiên tập trung. Về hướng phát triển thành phố kết nối, cần lưu ý kỹ về yếu tố giao thông trên cơ sở nghiên cứu thêm một số mô hình các quốc gia khác.

Cần phân cấp, phân quyền cho Hà Nội

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Hà Nội với sự phát triển như hiện nay mà quản trị vẫn như cũ là rất khó. Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thủ đô, đây là cơ hội lớn để thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, trong Luật Thủ đô, phải thể hiện mô hình phân cấp, phân quyền là mô hình bổ trợ. Tức là tất cả những gì Hà Nội làm được thì phân hết cho Hà Nội, chỉ những gì Hà Nội không làm được mới đưa lên Trung ương.

Cùng với đó, thành phố cần bảo đảm cung cấp dịch vụ công đô thị; giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, các chương trình phúc lợi xã hội; chịu trách nhiệm về các dịch vụ y tế, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố, thúc đẩy phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa; chủ động cơ chế thu chi ngân sách; có quy chế thử nghiệm.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, thời gian không còn nhiều nên Hà Nội cần tăng tốc hoàn thiện các nội dung còn mờ nhạt trong báo cáo Quy hoạch, nhất là những vấn đề lớn, định hình diện mạo tương lai, ví dụ như nội dung về không gian ngầm.

Nhấn mạnh cơ hội để xác định tầm nhìn Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần quán triệt quan điểm Hà Nội phải sánh vai với các Thủ đô trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ về thực trạng, để từ đó có những nhận diện đúng, xác định tầm nhìn, mục tiêu cho 20, 30 năm tới. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự tạo ra động lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm với thế giới.

Quy hoạch xứng tầm, bảo đảm tính khả thi

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự trân trọng với những tham luận, ý kiến đóng góp. Đây là tình cảm, trách nhiệm mà các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự dành cho Thủ đô Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội đang cùng một lúc thực hiện 3 công việc lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là sửa đổi Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

"Nghị quyết số 15-NQ/TƯ được Bộ Chính trị xây dựng và ban hành với tư duy mới; đánh giá, nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho Hà Nội rất khác so với trước. Ví dụ, Nghị quyết đặt ra mục tiêu Hà Nội phải có khả năng cạnh tranh với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đến năm 2045 phải là thành phố kết nối toàn cầu. Chính vì vậy, tư tưởng Hà Nội phải vươn ra cạnh tranh với thế giới xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu.

Để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, lập Quy hoạch Thủ đô, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới, cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và nhiều buổi làm việc khác nhau.

Gần đây nhất, thành phố tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của đại diện 80 học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô, tranh thủ nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu… Phó Bí thư Thành ủy cho biết, các nội dung đóng góp đa dạng, phong phú, nhiều bài viết có chất lượng tốt, đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận cũng như vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu.

Trên tinh thần đó, thành phố mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, hướng đến mục tiêu có được những bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại và bảo đảm tính khả thi.

Thùy Chi

Top