Quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics

26/11/2020 2:09 PM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Diệu Anh

Sáng 26/11, phát biểu tại diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2 Hà Nội được chọn là địa phương tổ chức diễn đàn logistics. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và giữa Bộ Công thương với UBND TP. Hà Nội.

Thông tin tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của TP. Hà Nội ước tăng 4,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280 nghìn tỷ đồng. Đây là những mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy đánh giá, qua 8 năm tổ chức, diễn đàn logistics Việt Nam đã trở thành sự kiện uy tín, tập hợp đông đảo các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như các đơn vị liên quan. Việc lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” năm nay cũng rất thiết thực, thời sự. Bên cạnh phiên toàn thể, việc tổ chức 2 hội thảo chuyên đề về “Hạ tầng logistics-xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistics” cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và Hà Nội.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40-42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao. Đối với Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của Thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu 7 đề xuất tại diễn đàn, trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới. Tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Đánh giá khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử. Phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này trên địa bàn Thành phố.

Diệu Anh

Top