Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

31/05/2019 3:13 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt để triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội quyết liệt phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa

Theo UBND TP. Hà Nội, công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch tả lợn Châu Phi (bệnh DTLCP) đã được Trung ương, Thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, đến ngày 26/5/2019, trên địa bàn Thành phố bệnh dịch đã xảy ra tại: 13.821 hộ, cơ sở chăn nuôi (chiếm 17,1% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); 1.691 thôn, tổ dân phố; 416 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 215.326 con (chiếm 11,5% tổng đàn) với trọng lượng 14.922.554kg.

Để từng bước ngăn chặn, tiến tới kiểm soát, khống chế được bệnh DTLCP trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu: Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế, Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Cục Quản lý thị trường Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa ban Thành phố theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019; Thủ tướng Chính phủ tại: Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 văn bản số 4291/VPCP-NN ngày 20/5/2019 và Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 17/5/2019.

UBND quận huyện, thị xã báo cáo cấp ủy cùng cấp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo đúng quy định của pháp Luật thú y, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; quán triệt phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”; rà soát, thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch “phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính”; phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan, lơ là để gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi,… Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chủ động xử lý giải quyết khi có lợn bị mắc dịch; tuyệt đối chống bệnh thành tích, không được dấu dịch; tăng cường, nghiêm túc tổ chức canh gác, tuần tra; phun thuốc phòng, chống, xử lý dịch phải đảm bảo tối thiểu 30 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch. Tổ chức thực hiện việc khoanh vùng dịch; lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch động tại địa phương có dịch để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, không để bệnh dịch lây lan ra các địa phương khác. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch. Huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,... khi cần thiết) trong công tác tổ chức phòng, chống, xử lý bệnh dịch.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm lợn bệnh, lợn chết; thực hiện tiêu hủy lợn bị bệnh dịch phải đảm bảo đúng quy trình; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, trôi nổi trên hệ thống sông, hồ, ao, đập làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm. Tập trung chỉ đạo, giám sát kiểm tra đảm bảo công tác vận chuyển, đào hố, chôn lấp tiêu hủy lợn chết đúng quy trình, đặc biệt chú ý về địa điểm tiêu hủy lợn chết phải đảm bảo knông gây ô nhiễm môi trường, cách xa các giếng nước, khu dân cư, tránh gây bức xúc cho người dân. Thực hiện hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch đảm bảo về trình tự, thủ tục, mức hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật, thời gian không quá 05 ngày; công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thủ lao phù hợp rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo quy định cho lực lượng tham gia phòng, chống bệnh dịch.

Minh Hương

Top