Sản xuất công nghiệp khả quan những tháng cuối năm

25/10/2018 4:38 PM

(Chinhphu.vn) -10 tháng năm 2018, tình hình kinh tế xã hội có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, lạc quan, các chỉ số kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tháng 10 và 10 tháng tiếp tục tăng trưởng rõ rệt. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (tính theo kỳ gốc trước.

Trong đó, khai khoáng tăng 0,5% so tháng trước và giảm 3,6% so cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% và 8,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,3% và tăng 9,6% so cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,6% và tăng 9,6%.

Tính chung 10 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 9,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,6%; cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%.

Nhóm ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp với xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và có chỉ số sản xuất tăng cao so với tháng trước và so cùng kỳ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng 10 tháng một số ngành công nghiệp chủ yếu có xu hướng giảm so với cùng kỳ do hầu hết các doanh nghiệp có công suất nhỏ, dây chuyền cũ nên chi phí sản xuất cao trong khi giá sản phẩm trên thị trường thế giới đều thấp, công tác tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu…, đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của chỉ số toàn ngành công nghiệp như, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất giảm 3,8%; sản xuất kim loại giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 1,5%; sản xuất xe có động cơ giảm mạnh 7%...so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm ngành công nghiệp 10 tháng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc do sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Đá xây dựng giảm 8,2%; bao bì và túi bằng giấy giảm 35,5%; phân bón các loại giảm 13,5%; bê tông trộn sẵn giảm 5,2%; tủ lạnh sử dụng trong gia đình giảm 7,1%; xe có động cơ dùng để chở dưới 10 người giảm 34,3%.

Tình trạng tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng 16,1% so với tháng trước và tăng 34% so cùng kỳ năm 2017, cộng dồn 10 tháng năm 2018 tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước.

Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ là sản xuất đồ uống tăng 14,5%; sản xuất trang phục tăng 13,1%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 21,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm gỗ, mây tre đan tăng 14,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 33,1%; sản xuất cao su, plastic tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 18%...  

Điểm đáng mừng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là tình trạng tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ 10 tháng năm 2017. Điều này cho thấy Hà Nội đã đưa ra giải pháp đúng đắn trong cam kết sử dụng, tiêu dùng hàng nội bộ của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hàng sản xuất nội địa có vị trí quan trọng, chiếm lĩnh thị phần không nhỏ trong các siêu thị lớn… để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, tạo đà tiêu thụ sản phẩm từ nay đến cuối năm 2018.

Cộng dồn 10 tháng, chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp Hà Nội giảm 20% so cùng kỳ. Trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho giảm mạnh so cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm  giảm 48,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 43,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 28,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 71,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 36,4%...

Bên cạnh đó, do đặc thù sản xuất theo thời vụ của một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm hàng tồn kho lớn do vào dịp cuối năm các doanh nghiệp tích cực sản xuất dự trữ hàng lớn chuẩn bị phục vụ Tết như: Sản xuất đồ uống chỉ số hàng tồn kho tăng 83,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 93,4%; sản xuất dệt tăng 32%; sản xuất trang phục tăng 57,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 157,7% so với 10 tháng năm 2017.

Trong tháng 10, các doanh nghiệp vẫn liên tục tuyển dụng lao động để bảo đảm kế hoạch sản xuất trong những tháng cuối năm. Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp bằng tháng trước và tăng 5,7% so cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng năm 2018, chỉ số sử dụng lao động tăng 3,9% so cùng kỳ. Nhìn chung tỉ lệ sử dụng lao động tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,2% so cùng kỳ; khối doanh nghiệp nhà nước tăng không đáng kể 2,2% so cùng kỳ; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm nhẹ 1% so cùng kỳ.

Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 5,5% so cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,7%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 0,7% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 7,2% so cùng kỳ.

Minh Anh

Top