Sen Chiểu: Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

04/04/2017 3:04 PM

(Chinhphu.vn)-Không chỉ nổi danh là địa phương có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình đấu tranh chống thiên tai, giặc ngoại xâm của nhân dân xứ Đoài, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ còn được biết đến với những đặc sản của rau muống Tiến Vua, bún, bánh, đậu phụ làng Linh nổi tiếng gần xa.

Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu cho biết, nghề sản xuất bánh, bún, đậu phụ và trồng rau muống Tiến Vua ở xã Sen Chiểu có từ lâu đời và thu hút hàng trăm hộ tham gia. Năm 2001, làng nghề truyền thống ở Sen Chiểu được UBND thành phố công nhận là làng nghề, tập trung chủ yếu ở hai làng Thanh Chiểu và Linh Chiểu.

Theo chia sẻ của những người dân nơi đây, trước kia, nghề làm bánh, bún, đậu phụ được làm thủ công từ khâu chọn gạo, đỗ, kỹ thuật rang say, ngâm ủ, đánh nước chua… và mỗi công đoạn đều có bí quyết riêng, mang lại sợi bún vừa mềm, vừa trắng, khó trộn lẫn với sản phẩm của địa phương khác. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật tiên tiến, người làm bánh, bún Sen Chiểu đã đưa máy móc vào sản xuất, giúp làm tăng sản lượng và vẫn giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm truyền thống nổi tiếng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hoan ở cụm 12 thôn Linh Chiểu, là một trong những hộ làm bún nổi tiếng trong thôn cho biết, mỗi ngày cơ sở của gia đình anh cung cấp ra thị trường hơn 5 tạ bún, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh bún.

Bên cạnh bún, bánh, thì rau muống Tiến Vua cũng cho thu nhập cao. Với hương vị đặc trưng giòn, ngọt và có độ xốp sau khi luộc, rau muống Tiến Vua rất được lòng người tiêu dùng. Những hộ trồng nhiều hơn một mẫu, trung bình một ngày sẽ cấp ra thị trường khoảng 5 đến 7 tạ rau, trừ chi phí sẽ cho lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.

Hiện nay, những đặc sản của Sen Chiểu đã có tiếng trên khắp các vùng quê Xứ Đoài và có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng rau an toàn, tiêu thụ nhiều nơi trong khu vực Hà Nội cũng như vùng lân cận. Những đặc sản này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân trong xã, góp phần nâng cao mức sống cho bà con nông dân. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33,2 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, do những thay đổi của xã hội nên đã có những thời điểm làng nghề Sen Chiểu tưởng chừng như mai một. Để duy trì và phát triển thế mạnh của làng nghề, theo Chủ tịch xã Sen Chiểu Nguyễn Văn Tín, những năm gần đây, xã Sen Chiểu đã tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân yên tâm tham gia sản xuất như tạo điều kiện cho người dân vay vốn, lắp đặt hệ thống nước sạch sản xuất nông nghiệp, tổ chức tập huấn…

Mặc dù mang lại thu nhập cao nhưng do hầu hết các hộ trong xã vẫn còn sản xuất thủ công nên nước thải vẫn xả trực tiếp ra cống rãnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản xuất, thì yếu tố môi trường cũng được xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện xuống từng thôn, xóm. Thông qua các hình thức tuyên truyền bà con nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt vỏ chai, vỏ thuốc trừ sâu, thuốc BVTV trên đồng ruộng… nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các buổi sinh hoạt chi bộ, phát động chương trình bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, đảm bảo an toàn thực phẩm… nên vấn đề bảo vệ môi trường của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt.

Ngoài điểm tập kết rác thải sinh hoạt, xã đã quy hoạch được điểm tập kết vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng. Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 14 tổ thu gom rác thải ở 14 cụm dân cư, không để xảy ra tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xã xây dựng hệ thống lắp đặt rãnh thoát nước ở các cụm dân cư và toàn xã được hơn 15 km, các đoạn đường tự quản đảm bảo sạch đẹp, quang đãng.

Để phát huy thế mạnh và mở rộng thị trưởng tiêu thụ các sản phẩm nổi tiếng của làng nghề truyền thống, hiện nay, xã Sen Chiểu đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, giúp người dân yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tú Mai

Top