Siết chặt quản lý để bảo đảm ATTP

14/05/2019 12:22 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều thay đổi tích cực từ Nghị định đến công tác triển khai nhưng qua kiểm tra thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.

Tăng cường kiểm tra ATTP là một trong những biện pháp quản lý ATTP hiệu quả. Ảnh: Thiện Tâm

Hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn một số cơ sở dù đã ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp đã được cơ quan nhà nước kiểm soát nhưng vẫn nhập thêm nguyên liệu thực phẩm ở những cơ sở chưa được kiểm soát, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trà trộn gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo ATTP tại cơ sở.

Năm 2018, khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP trước đây thì Chính phủ cũng đã chủ trương thay đổi căn bản cách quản lý ATTP, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ xác nhận công bố sang tự công bố sản phẩm, chuyển từ kiểm tra giấy tờ sang thanh kiểm tra, lấy mẫu đột xuất. Chính vì vậy, công tác thanh kiểm tra, hâu kiểm phải được tăng cường và đảm bảo triển khai có hiệu quả trên toàn thành phố.

Theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho rằng, muốn có ATTP phải quản lý xuyên suốt cả quá trình từ trang trại đến bữa ăn. Ngành nông nghiệp thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung quản lý từ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực phẩm; quy hoạch vùng trồng trọt chăn nuôi thủy sản, quản lý cơ sở sơ chế, chế biến… Trong đó, nhiều nội dung đã được thực hiện tốt.

Các cơ sở đáp ứng các yêu cầu về ATTP đã được công bố công khai tại website của Sở NN&PTNT. Vì vậy, đại diện các quận, huyện, thị xã truy cập vào địa chỉ này để có thông tin về các cơ sở cung cấp thực phẩm bảo đảm ATTP phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, để có thể kiểm soát triệt để công tác ATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, khắc phục tình trạng một số cơ sở đã ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp đã được cơ quan nhà nước kiểm soát nhưng vẫn nhập thêm nguyên liệu thực phẩm ở những cơ sở chưa được kiểm soát, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trà trộn gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo ATTP tại cơ sở. Đồng thời có thể truy xuất được tận gốc các sản phẩm thực phẩm. Ngành NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp như đổi mới công tác thanh kiểm tra, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tập trung vào kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc. Ngoài kiểm tra hợp đồng, chứng nhận ATTP phải kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh giao dịch thực tế kết hợp phỏng vấn, xác minh thực tế tại các đơn vị cung cấp. Chủ động trinh sát, nắm bắt tình hình, kiểm tra tại thời điểm cơ sở tiếp nhận nguyên liệu thực phẩm, tăng cường kiểm tra liên ngành, đột xuất, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm, không đạt yêu cầu. Xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tăng tính răn đe trong quá trình kiểm tra. Trong 4 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh, kiểm tra 121 lượt cơ sở, kết quả có 30 cơ sở không đạt yêu cầu, xử phạt 30 trường hợp với số tiền hơn 237 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 10 tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Cùng với đó là tăng cường giám sát lấy mẫu, hậu kiểm tự công bố, xét nghiệm các nhóm chỉ tiêu vi sinh, hóa học có nguy cơ mất ATTP cao và các sản phẩm tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thông báo, công khai những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong 4 tháng đầu năm 2019, để kiểm tra chất lượng, ATTP nông lâm sản và thuỷ sản, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã tiến hành lấy 192 mẫu nông lâm thủy sản. Trong đó đã có kết quả của 138 mẫu, phát hiện 5 mẫu thịt không đạt chỉ tiêu vi sinh, 1 mẫu thịt vượt dư lượng Sulfadimidin và Chloramphenicol và 1 mẫu thủy sản tồn dư Ciprofloxacin.

Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về ATTP, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về ATTP, đặc biệt là các lỗi về nguồn gốc sản phẩm đã tăng nặng hơn nhiều so với trước đây theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.

Đặc biệt, cần tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn. Kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với trực tiếp các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn để các cơ sở có thể tiếp cận được với các sản phẩm được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc, chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Đồng thời  hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRcode cho các nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố.

Thiện Tâm

Top