Sở KH&CN cần đi đầu về xây dựng thành phố thông minh

28/03/2019 2:24 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ cần chủ động tham mưu và đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở KH&CN - Ảnh: Gia Huy

Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc sáng 28/3, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Ngọc Anh cho biết, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Kết quả hoạt động KH&CN của Hà Nội được Bộ KH&CN và các tỉnh, thành phố đánh giá cao.

Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đánh giá các nhiệm vụ khoa học không sử dụng ngân sách (7 nhiệm vụ, các sản phẩm hình thành từ kết quả các nhiệm vụ được thương mại hóa và xuất khẩu ra nước ngoài). Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng các dự án đầu tư được thẩm định công nghệ (năm 2018 là 27 dự án, cho ý kiến về công nghệ đối với 66 đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư), số lượng các tổ chức KH&CN được cấp giấy chứng nhận (566 tổ chức).

Thành phố cũng đứng đầu về số lượng các cơ quan, đơn vị quản lý được hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 (100% các sở, nganh, quận, huyện và xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng và áp dụng); số lượng các doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng ISO 14000 về môi trường và ISO 22000 về an toàn thực phẩm là 237 doanh nghiệp). Đứng thứ hai về số Doanh nghiệp KH&CN (47 doanh nghiệp/386 doanh nghiệp cả nước) được cấp giấy chứng nhận.

Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số lượng đơn của các tổ chức, cá nhân nộp đề nghị cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa với 12.422 đơn năm 2018. Trong đó, đứng đầu cả nước về số bằng sáng chế (99 bằng), giải pháp hữu ích (150 bằng); đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp (278 bằng), nhãn hiệu hàng hóa (4.315 bằng được cấp).

Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ giúp các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và các địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước và các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh; góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện công tác cải cách hành chính của thành phố; các doanh nghiệp nhờ việc áp dụng hệ thống ISO tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn như các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KH&CN còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Chưa thực sự huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho phát triển thị trường KH&CN; số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.

Một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa chủ động đề xuất, đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần KH&CN giải quyết nên số lượng các đặt hàng còn ít. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường, viện, trung tâm nghiên cứu chưa được như kỳ vọng. Một số kết quả nghiên cứu từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu chưa tìm đên với doanh nghiệp. Vì vậy chưa phát huy được tối đa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, trong những năm vừa qua, ngành KH&CN thành phố có nhiều tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Thủ đô đã thu hút được trí tuệ và tâm huyết của nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tham gia nghiên cứu; tiến độ, chất lượng và hiệu quả áp dụng của các công trình nghiên cứu ngày càng tăng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám cao đã được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh Sở KH&CN phải nỗ lực hết sức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch kinh tế; phải đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong nền kinh tế. Vì hiện nay, đóng góp về khoa học công nghệ trong tăng trưởng kinh tế Thủ đô theo tính toán còn thấp so với mong muốn; chưa vượt qua mức bình quân cả nước.

Sở KH&CN cần tập trung rà soát lại các cơ chế, chính sách, việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ để có giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường giải ngân; tập trung nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo cách thức quản lý, điều hành và đề xuất các giải pháp để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, trọng tâm là tiếp tục đổi mới phương thức xây dựng, triển khai kế hoạch KH&CN, cơ chế quản lý tài chính... để nâng cao hiệu quả của hoạt động.

Bên cạnh đó, gắn hoạt động khoa học công nghệ với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là với nhu cầu của các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm để phát triển khoa học; nâng cao tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Gia Huy

Top