Sông Tô Lịch sạch hơn khi thử nghiệm công nghệ Nhật Bản

20/05/2019 1:03 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 3 ngày thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, hôm nay 20/5, 2 đơn vị độc lập đã tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm. Theo quan sát, các mẫu nước khá trong và có nhiều vi sinh vật.

Tuần trước, Hà Nội đã tổ chức lắp đặt hệ thống công nghệ sinh học Nano Bioreactor để thí điểm xử lý ô nhiễm nguồn nước tại sông Tô Lịch. Hệ thống này do phía Nhật Bản tài trợ. Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối nên "bài toán" này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor
Công nghệ Nano - Bioreactor có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đáy. Với công suất xử lý tới hơn 1,3 triệu m³ nước thải/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý ngay trong ngày
Hệ thống máy sục khí nano sử dụng công nghệ bộ lọc được thiết kế đặc biệt để lấy không khí trực tiếp từ môi trường rồi khuếch tán vào trong môi trường nước dưới dạng các bọt khí kích thước micro/nano. Với sự khuếch tán của các bọt khí micro/nano trong nước làm tăng hàm lượng oxy hòa tan trong khu vực nước xử lý, bao gồm cả vùng nước ngầm
Một đoạn trên sông Tô Lịch dài khoảng 300m gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) đã được chọn để lắp đặt máy lọc. Đây được đánh giá là một trong những đoạn ô nhiễm nặng nhất của sông Tô Lịch khi có nhiều cống nước thải lớn, nhỏ trực tiếp xả ra
Máy lọc đang phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, sẽ xử lý căn cơ và triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch
Thành máy lọc bám đầy cặn bẩn sau 3 ngày hoạt động
Người dân ở đây cho biết, từ vài năm trước đây đoạn sông này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng với mùi hôi thối nồng nặc, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay. Sau 3 ngày hoạt động, mùi sông đã không còn nặng như trước nữa
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, để bảo vệ môi trường sông Tô Lịch sạch sẽ cần có cách tiếp cận đến giải pháp tổng thể từ xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp từ nguồn. Sau 2 tháng hoạt động, đơn vị lắp đặt sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu, đánh giá kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai các bước tiếp theo.

Phương Duy

Top