Tác hại khôn lường từ thuốc lá

21/09/2016 11:55 AM

(Chinhphu.vn) - Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật nguy hiểm đối với sức khỏe con người, trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, các bệnh về đường hô hấp...

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Nội khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Tú Mai

Gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Trần Văn Quân, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, trong thuốc lá có 7.000 hóa chất, trong đó có 200 hóa chất có hại cho sức khỏe, trên 69 hóa chất gây ung thư. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy, Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

Khi hút thuốc lá khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy…

Ngoài ra, ở nam giới hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh; đối với phụ nữ khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú; đối với trẻ em dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng...

Bác sỹ Trần Văn Quân cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phổi Hà Nội tiếp nhận trên 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong số đó có 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh về phổi đang điều trị tại bệnh viện là liên quan đến thuốc lá.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân Mai Quang Vinh, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá trên 40 năm, mỗi ngày ông Vinh hút hết 1 bao thuốc lá. Cách đây 10 năm, ông Vinh có biểu hiện ho nhiều kèm theo khó thở. Sau khi khám tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân Vinh đã phải điều trị tại khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện Phổi Hà Nội liên tục từ đó đến nay. Hiện, tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của bệnh nhân Vinh đang ở giai đoạn 4, tức giai đoạn cuối.

Không chỉ vậy, Bà Mai Thị Lương, vợ bệnh nhân Vinh, hàng ngày phải hít khói thuốc từ chính người chồng của mình cũng mắc bệnh về đường hô hấp. Bà Lương cho biết, ông nhà tôi nghiện thuốc lá nặng, mỗi khi ông ấy hút thuốc trong nhà là cả gia đình đều hít khói thuốc lá. Bản thân tôi hít khói thuốc lá từ ông ấy phả ra thấy rất khó chịu, thỉnh thoảng tôi cảm thấy khó thở, ho nhiều và cũng đã chớm bị bệnh. Tôi biết khói thuốc lá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người người trực tiếp hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động nên tôi cũng đã nhiều lần khuyên chồng bỏ thuốc. Giờ mắc bệnh nặng do thuốc lá gây ra, ông nhà tôi đã bỏ thuốc hẳn.

Hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn trực tiếp

Theo phân tích của các chuyên gia y tế, khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra cho môi trường 4 loại khói thuốc: Khói thuốc do người hút thuốc lá hút trực tiếp vào cơ thể (dòng khói chính); khói thuốc cháy ở đầu điếu thuốc lá tỏa ra môi trường; luồng khói do người hút thuốc hút vào và thở ra môi trường và tàn dư của khói thuốc lá lơ lửng trong môi trường sau khi hút thuốc lá. Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại khói còn lại (dòng khói phụ). Khói thuốc lá không chỉ có hại đối với sức khỏe người trực tiếp sử dụng nó mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh vì khói thuốc lan trong không khí khiến họ cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay, khi đến các nơi công cộng như bến xe, thậm chí cả trường học, trụ sở nhà nước, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều người hút thuốc lá mà không hề quan tâm đến sức khoẻ của mình và của những người xung quanh. Như vậy họ đã gián tiếp làm nguy hại đến sức khoẻ cộng đồng.

Theo bác sĩ Quân, người hút thuốc lá thụ động sức khỏe bị ảnh hưởng hơn người hút thuốc lá trực tiếp vì khói thuốc lá toả ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào, nó chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Người hút thuốc lá trực tiếp và người hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh phổi gấp nhiều lần, nhất là người hút thuốc lá thụ động vì những người hút thuốc lá chủ động họ đã có tác nhân đề kháng, còn lại những người hút thuốc lá thụ động, các yếu tố đề kháng và yếu tố thích nghi của cơ thể không có nên người hút thuốc lá thụ động dễ mắc bệnh hơn là những người hút thuốc lá chủ động. Với những người bệnh có tiền sử hút thuốc lá thì luôn luôn có nồng độ nicotin và những khói thuốc ám vào trong phổi nhiều nên bệnh thường nặng hơn những người bình thường, nếu cùng tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ Quân cho biết, khi điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý do thuốc lá gây ra, chúng tôi khuyên bệnh nhân nên bỏ thuốc lá. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn, động viên bệnh nhân tham gia các câu lạc bộ vì sức khỏe 2 lá phổi, một phần điều trị dự phòng, một phần hướng dẫn, khuyến cáo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tác hại của thuốc lá gây ra.

“Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, thiết nghĩ mỗi cá nhân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân từ bỏ hút thuốc lá, xây dựng một môi trường không khói thuốc lá...”, bác sỹ Quân nói.

Tú Mai

Top